“Tổng tiến công” toàn diện để khoanh vùng, dập dịch

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19
TP - Sáng 29/5, tại Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý chủng virus lần này rất nguy hiểm và phức tạp, khó kiểm soát nên “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.

Xuất hiện biến chủng lai nguy hiểm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, làn sóng dịch thứ 4 tại Việt Nam rất phức tạp, với nhiều điểm dịch tễ khác so với các đợt dịch trước. Trong đó, xuất hiện đa hình thái lây nhiễm với nhiều ổ dịch tại các tỉnh, thành phố. Đặc biệt nhất là lây nhiễm trong khu công nghiệp, ra cộng đồng, sau đó lây ngược lại khu công nghiệp. Nguy hiểm là trong đợt dịch đang diễn ra có sự xuất hiện đa chủng virus. Hai chủng phổ biến nhất là Ấn Độ và chủng từ Anh, trong đó chủng Ấn Độ chiếm đa số, chủng Anh chỉ xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dịch lần này lây rất nhanh, virus phát tán rộng trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng 1- 2 ngày đã thêm vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, có 28 trường hợp rất nặng nên điều trị tích cực ở các địa phương phải được nâng cao hơn một mức so với trước đây.

Đề cập đến vắc-xin phòng COVID-19, ông Long cho biết, đang có gắng tiếp cận để tiêm cho người dân, và cố gắng đến 2021 đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm trên quy mô toàn cầu nên việc tiếp cận không dễ. “Vừa rồi vắc-xin về cung cấp cho các địa phương nhưng chúng tôi xin phép phải thu hồi lại tại một số địa phương để cấp cho Bắc Giang, Bắc Ninh nơi dịch đang nóng và tình hình căng thẳng, mong các địa phương thông cảm”, ông Long nói.

Trong khi đó, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục có chính sách ưu tiên phân bổ vaccine cho các thành phố lớn, có nguy cơ cao như Hà Nội, TP.HCM và có cơ chế để triển khai tiêm vắc-xin theo hình thức dịch vụ, đặc biệt là khu công nghiệp. Đồng thời cho phép Hà Nội chủ động để tiếp cận và đàm phán tiếp cận các nguồn để chủ động thực hiện. Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo tình huống khẩn cấp để đáp ứng công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, kiến nghị, trong tình hình liên tiếp phát hiện nhiều chùm ca bệnh từ cộng đồng, đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.

Nhắc đến bài học và kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, 10 ngày gần đây nhất không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đà Nẵng đã xét nghiệm xong toàn bộ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bàn giao cho doanh nghiệp. Kể từ ngày bàn giao công nhân, chủ doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra tình hình dịch bệnh như tạm dừng sản xuất, chịu toàn bộ chi phí phòng chống dịch bệnh, bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã thành lập trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ. Bộ cũng đã triển khai vòng đeo tay giám sát cách ly tại nhà, bắt đầu triển khai từ 1/6 và trước mắt sẽ thực hiện cho công nhân của các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bằng mọi cách phải tiếp cận vắc-xin

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủng virus lần này rất nguy hiểm và phức tạp, gây thiệt hại và khó kiểm soát hơn. Đáng lưu ý, đã có lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại; xuất hiện lây nhiễm từ hoạt động đông người, tôn giáo. Do đó “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình. “Phòng ngừa là cơ bản, chiến lược lâu dài và mang tính quyết định, nhưng tấn công chính là đột phá”, Thủ tướng nói và nhắc nhở không lơ là, chủ quan khi chưa có dịch, nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định kém hiệu quả. Đặc biệt, tránh khuynh hướng khó khăn thì mất đoàn kết, đổ lỗi, phân tán lực lượng”, Thủ tướng nhắc nhở.

Về chiến lược vắc-xin, Thủ tướng yêu cầu bằng mọi cách phải tiếp cận vắc-xin. “Cả thế giới đều lo vắc-xin, đây là một biện pháp “tấn công” của các nước. Tất cả đều đi mua vaccine, chúng ta cũng phải quyết tâm nhưng không vì yếu tố khách quan như vậy mà nản. Phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân để tiếp cận mua vắc-xin”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý phải sớm nghiên cứu sản xuất trong nước, và bằng mọi biện pháp tìm mua các công nghệ sản xuất vắc-xin.

Về các biện pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh biện pháp 5K + vắc-xin + các giải pháp công nghệ. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe, tinh thần cho người lao động. Bộ Y tế cần huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả trường y, để hỗ trợ. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phòng chống dịch vẫn phải tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là các khu công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ.

Tối 29/5 Bộ Y tế cho biết, trong ngày Việt Nam ghi nhận thêm 286 ca mắc mới. Trong đó 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam. 277 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 170, Bắc Ninh 52, TPHCM 29, Hà Nội 7, Lạng Sơn 7, Hà Nam 3, Hải Dương 2, Long An, Tây Ninh, Điện Biên, Bạc Liêu, Gia Lai, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh mỗi nơi 1 ca. Như vậy đã có thêm 3 tỉnh mới ghi nhận ca bệnh là Gia Lai, Bạc Liêu, Tây Ninh.

Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch COVID-19; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo tại TP.HCM trong những ngày cao điểm của dịch; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ chỉ đạo phòng chống dịch và khôi phục lại sản xuất kinh doanh của hai địa phương công nghiệp là Bắc Ninh và Bắc Giang.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.