Ông Zelensky phát biểu trước Quốc hội Thuỵ Sĩ hôm 15/6. Ảnh: Reuters |
Thuỵ Sĩ - một quốc gia trung lập - đã duy trì chính sách cấm bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí của mình tái xuất khẩu cho các bên tham gia xung đột. Vào tháng 11 năm ngoái, nước này đã áp đặt lệnh cấm gửi đạn dược của Thuỵ Sĩ tới Nga hoặc Ukraine.
“Tôi biết có một cuộc thảo luận ở Thụy Sĩ về việc xuất khẩu trang thiết bị chiến tranh để bảo vệ Ukraine. Điều đó sẽ rất quan trọng", ông Zelensky nói trong một bài phát biểu qua video trước lưỡng viện Quốc hội Thụy Sĩ. "Chúng tôi cần vũ khí để có thể khôi phục hòa bình ở Ukraine".
Ông Zelensky, mặc một chiếc áo phông đen trơn có in chữ "Ukraine" trên ngực, cảm ơn Thụy Sĩ vì đã áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhưng nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.
“Điều quan trọng là phải thể hiện sự đoàn kết vì những biện pháp trừng phạt này sẽ giúp chúng ta chấm dứt hành vi gây hấn. Chúng ta phải tăng cường các biện pháp trừng phạt".
Ảnh: Reuters |
Yêu cầu bị từ chối
Mặc dù đã áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU và đóng băng tài sản của Nga trị giá 556 triệu đô la, Thụy Sĩ đã từ chối yêu cầu của Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha trong việc tái xuất khẩu đạn dược, vũ khí và phương tiện quân sự của Thụy Sĩ sang Ukraine.
Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky đã đề nghị Thụy Sĩ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine. Ông cho biết đã nói chuyện với Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset về sáng kiến này vào tháng 3.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Thuỵ Sĩ cho biết tổng thống đã có một số cuộc trao đổi với ông Zelensky trong năm nay nhưng từ chối bình luận về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Bài phát biểu của ông Zelensky cũng gây ra căng thẳng trong quốc hội, khi các thành viên đảng Nhân dân Thuỵ Sĩ (SVP) cánh hữu bỏ ra ngoài và nói rằng bài phát biểu “vi phạm tính trung lập” và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.
Những hàng ghế bị bỏ trống khi ông Zelensky phát biểu. Ảnh: Reuters |
Đảng SVP nắm giữ 53 ghế trong 200 ghế ở hạ viện cũng như 6 ghế trong thượng viện 46 ghế. Đảng này tuyên bố “tẩy chay” bài phát biểu ngay sau khi thông tin về nó được công bố vào tháng trước.
“Chúng tôi hiểu rằng tổng thống Ukraine muốn làm mọi thứ để bảo vệ Ukraine. Nhưng chúng ta không được để mình bị gây áp lực về vấn đề trừng phạt hoặc chuyển giao vũ khí”, nghị sĩ Alfred Heer nói.
Việc mời các diễn giả khách mời là điều hiếm khi xảy ra đối với Quốc hội Thụy Sĩ, vì chỉ có hơn 20 sự kiện như vậy kể từ những năm 1970. Bài phát biểu của ông Zelensky là bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội do một nhà lãnh đạo nước ngoài thực hiện qua video.