Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi (Ảnh: GCIS) |
Tổng thống Senegal Macky Sall và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo từ Zambia, Comoros và Ai Cập tới Kiev vào ngày 16/6 và St. Petersburg ngày 17/6.
Họ dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chuyến thăm diễn ra khi Ukraine vừa triển khai chiến dịch phản công quy mô lớn, với hy vọng sẽ giành lại những vùng đất mà Nga đang kiểm soát ở phía Nam và phía Đông.
Tài liệu khung chưa được công khai nói rằng mục tiêu của phái đoàn là "nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và khuyến khích các bên đồng ý với quá trình đàm phán ngoại giao".
“Cuộc xung đột cũng như các biện pháp trừng phạt Nga đang gây tác động xấu đến các nền kinh tế và sinh kế của người châu Phi", tài liệu nêu rõ.
Tài liệu cũng liệt kê một số biện pháp có thể được các nhà lãnh đạo châu Phi đề xuất như một phần của giai đoạn đầu tiên trong nỗ lực dàn xếp giữa các bên tham chiến.
Những biện pháp đó có thể bao gồm yêu cầu Nga rút quân, đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, đình chỉ lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế đối với Tổng thống Putin và nới lỏng trừng phạt.
"Các biện pháp nêu trên nhằm tạo điều kiện cho việc thiết lập môi trường thuận lợi cho lệnh ngừng bắn, từ đó giúp các bên xây dựng lòng tin và xem xét xây dựng các chiến lược khôi phục hòa bình của họ", tài liệu viết.
Sau quá trình đó có thể sẽ là một thỏa thuận chấm dứt chiến sự, đi kèm với các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây, tài liệu viết.
Nhóm lãnh đạo châu Phi tin rằng những cuộc đàm phán đó sẽ phải giải quyết các vấn đề như triển khai hệ thống vũ khí tầm trung, vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí sinh học.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, Tổng thống Ramaphosa đã trao cho ông bản mô tả về những nỗ lực của châu Phi. Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết hai người đã trao đổi cách đây 1 tháng.
"Tất nhiên, tôi luôn khuyến khích mọi nỗ lực liên quan đến hòa bình. Tôi không có nhiệm vụ xác định những gì họ sẽ đạt được. Đây là sáng kiến quan trọng dựa trên thiện chí của một số quốc gia", ông Guterres nói với báo chí ngày 15/6.
Nỗ lực của châu Phi là một trong nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trung Quốc đề xuất kế hoạch hòa bình của riêng mình, gần đây cử một đặc phái viên hàng đầu tới Kiev, Mátxcơva và các thủ đô châu Âu để thảo luận về một "giải pháp chính trị". Vatican cũng đang xúc tiến một sứ mệnh hòa bình. Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đề xuất một kế hoạch hòa bình, nhưng Kiev nhanh chóng gạt bỏ.