The Guardian đưa tin, thứ Ba (20/6), Mỹ đã bổ sung thêm loạt cá nhân và công ty Nga vào danh sách trừng phạt. Trong số 38 cá nhân và tổ chức bị bổ sung có 2 quan chức chính phủ Nga.
Theo CNN, những người bị liệt vào “danh sách đen” sẽ bị đóng băng tài sản, bị cấm không được hợp tác làm ăn với các công ty và người Mỹ, hay huy động tài chính ở Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, động thái này phù hợp với cam kết của Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ cho tới khi Nga rời khỏi Crimea.
Thông báo về việc mở rộng các đối tượng trừng phạt được đưa ra vài giờ trước khi Tổng thống Donald Trump tiếp đón người đồng cấp Ukraine tại Nhà Trắng.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao bày tỏ thái độ tiếc nuối về quyết định của Mỹ để thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
“Hành động này một lần nữa bỏ lỡ các cơ hội để tiến tới cải thiện quan hệ song phương của chúng ta (chỉ Nga và Mỹ). Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các biện pháp ứng phó”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trên cơ quan thông tấn Nga RIA Novosti.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được lập ra để chống lại các nỗ lực nhằm phá vỡ các biện pháp trừng phạt trước đây áp lên Nga trong việc sát nhập Crimea vào năm 2014.
Đến nay, Mỹ đã đưa 160 cá nhân và hơn 400 công ty vào danh sách trừng phạt liên quan đến xung đột ở Ukraine. Một số nhà hoạt động ly khai Ukraine cũng có tên trong danh sách này.
Quyết định trên của Mỹ có thể sẽ chấm dứt hy vọng của Nga về việc cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Mỹ, EU và các nước phương Tây khác nhiều lần khẳng định, các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục cho đến khi Moscow thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn theo Hiệp định Minsk được ký kết năm 2015.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói, các nỗ lực để mở rộng và thắt chặt biện pháp trừng phạt Nga “không có gì đáng ngạc nhiên”. Ông nhấn mạnh, các nước áp lệnh trừng phạt lên Nga bất cứ lúc nào họ cảm thấy “Nga đang cạnh tranh nghiêm túc”.
Trước Mỹ một ngày, EU đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Moscow để phản đối Nga sáp nhập Crimea, bao gồm cấm đầu tư vào Crimea và nhập khẩu từ khu vực này sang EU…
Trước Bộ Tài chính, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật vào thứ Năm tuần trước (15/6), đưa Nga vào các biện pháp trừng phạt mới và trao cho Quốc hội quyền phủ quyết nỗ lực của Nhà Trắng nhằm bác bỏ các lệnh cấm vận.
Tổng thống Trump từng lưu ý, sẽ sẵn sàng đẩy lùi các lệnh trừng phạt để đổi lấy tự hợp tác của Moscow trong các vấn đề khác.