Theo RT, hố gas nói trên nằm gần làng Darvaza, cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 270 km.
Hố rộng hơn 60m và sâu tới 30m, có tên gọi chính thức là “Hào quang Karakum” nhưng thường được người dân địa phương gọi bằng tên “Cổng địa ngục”.
Hố gas Darvaza nhìn từ trên cao. Ảnh: Daily Mail |
Ảnh: REX |
Hố gas hình thành năm 1971 sau sự cố sụp mặt đất trong quá trình thăm dò khí đốt. Các nhà địa chất đã đốt lửa để tránh khí methane thoát ra từ hố gas, gây nguy hiểm cho con người và động vật hoang dã trong khu vực.
Ngọn lửa được dự đoán sẽ nhanh chóng lụi tắt, nhưng trên thực tế, hố gas đã cháy liên tục trong suốt hơn 50 năm qua.
“Cổng địa ngục” đã trở thành một trong những địa điểm nổi tiếng nhất Turkmenistan, nhưng không đủ để giúp quốc gia Trung Á này thu hút khách du lịch. Mỗi năm, Turkmenistan chỉ đón chưa đến 10.000 lượt khách nước ngoài.
"Cổng địa ngục" là địa danh nổi tiếng nhất ở Turkmenistan. Ảnh: Caters |
Trong cuộc họp trực tuyến với chính phủ hôm 7/1, Tổng thống Turkmenistan - Berdymukhamedov lập luận rằng việc để khí methane cháy không ngừng đang làm lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Số tài nguyên này có thể được bán ra nước ngoài để mang về lợi nhuận, giúp cải thiện cuộc sống của người dân Turkmenistan.
Ngoài ra, việc khí tự nhiên cháy suốt một thời gian dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ của người dân địa phương.
Ông Berdymukhamedov yêu cầu các quan chức phụ trách ngành dầu khí thảo luận với các nhà khoa học, kể cả chuyên gia nước ngoài, để tìm cách dập lửa.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ “Cổng địa ngục” có được đóng trong tương lai gần hay không, vì Tổng thống Berdymukhamedov từng đưa ra yêu cầu tương tự vào năm 2010, nhưng cuối cùng đã rơi vào quên lãng.