Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga giữa lúc sức ép về S-400 ngày càng gia tăng

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nguồn: anews.com.tr.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nguồn: anews.com.tr.
TPO - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga thảo luận với Tổng thống Putin về hệ thống S-400 là bằng chứng cho thấy, Ankara quyết tâm mua bằng được hệ thống tên lửa phòng không này bất chấp phản đối gay gắt từ Washington. Đồng thời chuyến thăm còn là sự chuẩn bị để Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đối phó với những trắc trở trong mối quan hệ với Mỹ thời gian tới.

Khẳng định hợp đồng S-400 không thể đảo ngược

Ngày 8/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm Nga trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép trên nhiều khía cạnh để buộc Ankara từ bỏ hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Trước đó, Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Putin sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban hợp tác cấp cao hai nước tại Moscow vào ngày 8/4. Trọng điểm của Hội nghị này nhằm thảo luận các vấn đề liên quan với việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức trong bối cảnh Ankara đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Washington xung quanh việc Ankara quyết tâm mua hệ thống S-400 của Nga. Đây cũng là nguyên nhân gây ra xung đột giữa Ankara và Washington thời gian qua.

Thậm chí Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi phát biểu trong cuộc họp của các bộ trưởng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington ngày 3/4 còn đưa ra thông điệp cuối cùng cho Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tiếp tục là “thành viên quan trọng của NATO, hoặc là muốn mạo hiểm sự an toàn của mối quan hệ đối tác đó bằng cách đưa ra quyết định liều lĩnh làm suy yếu liên minh”. Đồng thời, ông Pence cho rằng, “quyết định mua hệ thống S-400 là hành động hết sức lỗ mãng”.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức cấp cao nước này lại không như người Mỹ nghĩ và cho rằng thỏa thuận S-400 với Nga là không thể đảo ngược.

Phát biểu trước thềm chuyến đi tới Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp tục nhấn mạnh, việc nước này mua hệ thống S-400 của Nga đã hoàn thành. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng đã ký kết”.

Hơn nữa, trong chuyến thăm Washington hôm 3/4, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng thông báo với Mỹ về lập trường này của Ankara và nhấn mạnh “thỏa thuận S-400 không thể hủy bỏ được”

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga thảo luận với Tổng thống Putin về hệ thống S-400 là bằng chứng cho thấy, Ankara quyết tâm mua bằng được hệ thống tên lửa phòng không này bất chấp sự phản đối gay gắt từ Washington

Chuẩn bị để đối phó với Washington

Ngoài việc cam kết với Putin là không thể hủy bỏ thỏa thuận này, chuyến đi tới Nga còn nhằm tìm kiếm sự hợp tác và trợ giúp của Tổng thống Putin về lĩnh vực kinh tế để đề phòng mọi bất trắc tới từ Mỹ.

Biểu hiện rõ nét nhất từ tính toán này của Thổ Nhĩ Kỳ là việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới kinh tế, thương mại, hợp tác năng lượng, đầu tư và dự án.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định: “Mục tiêu chính của chúng tôi là đưa trao đổi thương mại Thổ Nhĩ Kỳ-Nga lên mức 100 tỷ USD so với mức 26 tỷ USD hiện nay. Từ tư duy chiến lược, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả những việc có thể để đạt được các mục tiêu hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác”.

Trong khi đó, Tổng thống Putin tuyên bố, “việc kích hoạt hợp tác đầu tư thời gian tới sẽ được thúc đẩy qua việc khởi động các dự án chung trong nhiều lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, luyện kim, nông nghiệp và lĩnh vực công nghệ cao giữa hai nước”.

Bên cạnh đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn cam kết đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ và  xây dựng kho tiếp nhận ở bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới phân tích đánh giá, một loạt các hợp đồng kinh tế, các dự án năng lượng ký kết với Nga sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được sự trợ giúp to lớn từ Moscow sẵn sàng đối phó với những trắc trở trong mối quan hệ với Mỹ thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.