Nga ngày 25/11 nổ súng và bắt ba tàu Ukraine ở eo biển Kerch, "yết hầu" nối giữa Biển Đen và Biển Azov, nơi có cây cầu mới dài hơn 18 km nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea. Giới chuyên gia cho rằng hành động của Nga có liên quan đến mức tín nhiệm của Putin, theo Washington Post.
Nền kinh tế Nga đang mắc kẹt trong tình trạng trì trệ kéo dài, kế hoạch nâng cao tuổi nghỉ hưu của Kremlin đối mặt với nhiều sự phản đối từ công chúng. Cuộc bầu cử khu vực tháng trước đã chứng kiến thất bại của nhiều ứng viên thân Kremlin. Hồi tháng 10, mức tín nhiệm của Putin là 66%, giảm khá mạnh so với mức 82% hồi tháng 4.
Kimberly Marten, nhà quan sát Nga tại trường Cao đẳng Barnard, đặt câu hỏi rằng với sự leo thang đột ngột ở Azov, liệu có phải Tổng thống Nga Putin đang "kích động một cuộc khủng hoảng quốc tế với hy vọng giành được sự ủng hộ trong nước hay không".
Alexei Navalny, nhà hoạt động đối lập của Nga, cũng cho rằng việc Nga bắn các tàu Ukraine có liên quan đến mức tín nhiệm thấp của ông Putin. "Chúng ta có thể thấy tháng sau có 30 talk show một ngày xoay quanh chủ đề 'các hành động kích động chiến tranh quyết liệt từ Kiev'", ông viết.
Lập luận rằng các lãnh đạo đưa ra những quyết sách đối ngoại mạnh mẽ vì lo ngại về mức tín nhiệm trong nước không phải là điều hiếm. Có sự tương quan giữa hai vấn đề này.
Theo số liệu từ cơ quan thăm dò dư luận Levada, mức tín nhiệm của Putin đã gia tăng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hành động quân sự ở Georgia năm 2008 (Nga giao tranh với Georgia trong 5 ngày với lý do bảo vệ Nam Ossetia và Abkhazia, hai khu vực muốn ly khai khỏi Georgia để trở thành các nước cộng hòa độc lập dưới sự ủng hộ của Moskva).
Trong trường hợp vụ sáp nhập Crimea, rõ ràng là sự kiện này trùng với mức tín nhiệm tăng gần 20% của Putin. Trong khi đó, tác động của cuộc chiến Georgia vào vào tháng 8/2008 khó xác định hơn vì mặc dù mức tín nhiệm của Putin đạt 88% trong tháng sau đó, nó vốn ở mức hơn 80% từ trước. Tuy nhiên, Putin khi đó là thủ tướng chứ không phải tổng thống.
Hiệu ứng cũng có vẻ rõ ràng khi xem xét mức tín nhiệm với toàn bộ chính phủ Nga, đạt mức 66% vào tháng 9/2008. Con số này lặp lại vào tháng 9/2014, vài tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea, vào thời điểm căng thẳng giữa nước này với phương Tây đang tăng mạnh.
Tuy nhiên, cây bút Adam Taylor của Washington Post chỉ ra rằng Điện Kremlin cũng bị cáo buộc có các hành động đối ngoại khiêu khích như can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 vào thời điểm Putin và chính quyền có mức tín nhiệm cao.
Trong căng thẳng với Ukraine, Nga bác bỏ họ là bên gây hấn ở biển Azov mà nói rằng hải quân Ukraine đã xâm nhập lãnh hải của mình, điều Kiev phủ nhận. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine kích động tình hình vì lợi ích chính trị.
Tuy nhiên, mức tín nhiệm hiện tại của Putin rõ ràng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. "Với những hạn chế trong chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại quyết liệt có thể là cách để ông ấy xoay chiều tình hình", Taylor viết.