Tổng thống Obama không đi xe Nga

Tổng thống Obama không đi xe Nga
TP - Tổng thống Mỹ Obama dùng xe hơi riêng, chứ không dùng xe của ban tổ chức, gần 1.500 nhà báo tới đưa tin, trung bình một nhà báo tiêu thụ 17kg thức ăn… là những câu chuyện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Nga.

> Iran sẽ 'ra đòn' nếu Mỹ tấn công Syria
> Tổng thống Nga chào đón ông Obama trước hội nghị G20

Ông Obama “chơi trội”

Trong buổi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà báo nín thở chờ đợi ông Obama xuất hiện. Ông đến gần như cuối cùng. Khác với những Nguyên thủ Quốc gia khác đồng ý sử dụng loại xe Limousine do nước chủ nhà Nga cung cấp, ông Obama đi đến Hội nghị trên chiếc Cadillac đeo biển số Washington. Gắn trên ve áo veston của ông không phải là chiếc huy hiệu tròn có in hình biểu tượng Hội nghị mà là lá cờ Mỹ. Ông nở nụ cười gượng gạo khi bắt tay Chủ tịch Hội nghị Putin.

Ngoài ra, việc thu xếp chỗ ở cho ông cực kỳ phức tạp, một phần bởi vì ông có tới 600 người tháp tùng. Trong số những khách sạn ở trung tâm Saint-Peterburg, chỉ có khách sạn Astoria là có thể chứa ngần ấy người.

Tối hôm 2/9, ai cũng tưởng ông Obama cùng đoàn tháp tùng sẽ ở khách sạn này. Nhưng đến sáng hôm sau, mọi chuyện đều thay đổi. Ông Obama quyết định sử dụng toàn bộ các phòng của khu nhà K 45 nằm ngay trong lâu đài Konstantinovski cổ kính và sang trọng bậc nhất Peterburg. Những nhân vật gần gụi với ông được bố trí chỗ ở tại khách sạn Baltiiskaia Zvezda ngay gần đấy. Những người còn lại được bố trí chỗ ở rải rác trong nhiều khách sạn khác nhau.

Hai ông Putin và Obama ngồi xa nhau

Nếu trong Hội nghị G20 lần trước, ông Putin và ông Obama ngồi gần nhau để thỉnh thoảng có thể trao đổi dăm ba câu với nhau thì lần này mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên đã khiến Ban Tổ chức phải xếp họ ngồi xa nhau.

Ban đầu người ta xem xét 2 phương án sắp xếp chỗ ngồi cho các nguyên thủ quốc gia. Phương án thứ nhất là xếp theo thứ tự bảng chữ cái La Tinh và phương án thứ hai là xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Nga.

Thông thường, thứ tự chỗ ngồi được sắp xếp theo bảng chữ cái của tiếng nước chủ nhà, tức là theo bảng chữ cái tiếng Nga. Nếu vậy, hai ông Putin và Obama sẽ ngồi gần nhau - giữa hai ông chỉ có Quốc vương Ả rập Xê Út.

Trước tình hình đó, người ta đành dùng bảng chữ cái tiếng Anh. Nhờ thế, hai ông Putin và Obama ngồi xa nhau và cảm thấy thoải mái hơn bởi vì giữa hai ông có tới 5 Nguyên thủ Quốc gia của Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê- út, Hàn Quốc và Anh.

Lượng nhà báo khổng lồ

Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này có tới 1.402 nhà báo đăng ký trực tiếp theo dõi. Theo thông báo của ông Dmitri Peshkov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ngay trong ngày họp đầu tiên nhà ăn dành riêng cho các đại diện giới báo chí theo dõi Hội nghị đã được đón tiếp 1.500 người. Ông Peshkov còn vui vẻ cho biết, lượng thực phẩm sử dụng lên tới 26 tấn. Một blogger đã tính toán, như vậy trung bình một nhà báo “ăn” hết 17 kg thức ăn.

Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông Sergey Ivanov còn tiết lộ những con số thú vị khác. Tất cả những hoạt động gắn liền với vai trò Chủ tịch luân phiên khối G8 của Nga đã khiến nước này chi tới 6 tỷ rúp (tương đương gần 600 triệu USD). Riêng chi phí cho Hội nghị Thượng đỉnh lần này là 2 tỷ rúp (tương đương gần 200 triệu USD). Ông Ivanov kết luận: “Chúng ta tiêu như vậy là khá khiêm nhường”.

Biểu tượng phù hợp với tinh thần Hội nghị

Theo cuốn tra cứu dành cho các nhà báo theo dõi trực tiếp Hội nghị G20, biểu tượng chính thức của Hội nghị được hình thành dưới ảnh hưởng của họa sĩ Kazimir Malevich, người sáng lập khuynh hướng tiên phong trong hội họa Nga. Bức tranh nổi tiếng nhất của ông có nhan đề “Hình vuông đen”. Theo giới báo chí, hình tượng này thích hợp hơn cả với Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Hội nghị diễn ra dưới “bóng đen Syria”.

Thật ngẫu nhiên ngày khai mạc Hội nghị năm nay trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập “đường dây nóng” giữa Washington và Mátxcơva, giữa Nhà Trắng và Điện Kremli. “Đường dây nóng” này xuất hiện sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba năm 1962. Văn bản thử nghiệm đầu tiên của “đường dây nóng” này là: “Con cáo nâu nhanh nhẹn nhẩy lên lưng con chó lười biếng”. Nhưng văn bản không nói rõ ai là cáo và ai là chó.

Bữa ăn trưa và hai phe

Trong thời gian ăn trưa, các nguyên thủ quốc gia không chỉ chú ý đến các món ăn ngon mà còn tiếp tục trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Syria. Do đó, tại bàn tiệc ăn trưa có thể nhìn thấy hai phe rõ rệt ở hai bên bàn tiệc. Có người nhận xét rằng, lực lượng hai phe nói trên đúng bằng nhau.

 NGỌC THOA
Theo Newsru.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG