Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây tuyên bố, Kiev sẽ cần vũ khí nguyên tử hoặc tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đảm bảo an ninh. Ông bác bỏ báo cáo của phương tiện truyền thông rằng Kiev đã sẵn sàng sản xuất bom nguyên tử trong thời gian ngắn, khẳng định phát ngôn trước đó về vũ khí hạt nhân chỉ nhằm ám chỉ rằng không có giải pháp thay thế nào cho việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
“Đây là một hành động khiêu khích khác”, Tổng thống Nga Putin phát biểu hôm 18/10 tại một cuộc họp báo ở Mátxcơva, bình luận về tuyên bố của ông Zelensky. “Đây là một hành động khiêu khích nguy hiểm, vì rõ ràng là bất kỳ bước đi nào theo hướng này đều sẽ phải đối mặt với phản ứng thích đáng”.
Lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn có vũ khí hạt nhân, "ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng trở nên nóng bỏng", Tổng thống Nga lưu ý. “Tôi có thể nói thế này: Nga sẽ không cho phép điều đó xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Tổng thống Putin lập luận, rằng việc sản xuất vũ khí hạt nhân trong thời đại ngày nay "không quá khó". Tuy nhiên, ông “không biết liệu Ukraine có thể làm được điều này hay không”, và việc có được kho vũ khí hạt nhân "sẽ không đơn giản đối với Ukraine trong tình trạng hiện tại".
Khi được hỏi liệu một quốc gia khác có thể bí mật cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine hay không, Tổng thống Putin cho biết điều đó "không thể che giấu" và Mátxcơva "có khả năng theo dõi bất kỳ động thái nào theo hướng này".
Tháng trước, Tổng thống Putin đã công bố một loạt thay đổi đối với học thuyết hạt nhân Nga, mở rộng tiêu chí sử dụng vũ khí răn đe chiến lược.
Quyết định này được đưa ra khi Ukraine yêu cầu các nước NATO dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga. Học thuyết cũng được sửa đổi để mở rộng “chiếc ô hạt nhân” sang Belarus.
Địa điểm tiềm năng để tổ chức hội nghị hoà bình
Theo Tổng thống Nga Putin, Ả-rập Xê-út sẽ là địa điểm phù hợp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông Putin tái khẳng định Nga coi Ả-rập Xê-út là một quốc gia thân thiện. Ông khen ngợi giới lãnh đạo Ả-rập Xê-út vì những nỗ lực chân thành của họ nhằm mang lại hoà bình.
“Vì vậy, nếu hội nghị được tổ chức tại Ả-rập Xê-út, thì địa điểm này sẽ khá thoải mái đối với chúng tôi”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp cuối cùng nào cũng phải dựa trên dự thảo được chuẩn bị trong các cuộc đàm phán bị huỷ ngang tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào mùa xuân năm 2022.
Theo ông Putin, phái đoàn Ukraine ban đầu đã chấp thuận một dự thảo hiệp ước mà trong đó, Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập và quy mô quân đội sẽ bị hạn chế. Nhưng sau đó, họ đột ngột rời khỏi bàn đàm phán.
Các quan chức Ukraine bày tỏ sự không tin tưởng đối với Nga, và các lãnh đạo phương Tây cũng khuyên họ không nên chấp nhận các điều khoản của Mátxcơva.
Kể từ đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh rằng hòa bình chỉ có thể đạt được theo các điều khoản của Kiev, bao gồm cả việc khôi phục lãnh thổ Ukraine về biên giới năm 1991. Mátxcơva nói rằng "công thức hòa bình" của ông Zelensky là không thể chấp nhận được và Kiev phải công nhận "thực tế lãnh thổ" mới.
Thời điểm chấm dứt xung đột Ukraine
Tổng thống Nga Putin cho biết, việc cố gắng đưa ra dự đoán về thời điểm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là một nỗ lực khó khăn. Ông cảnh báo những người khác không nên đưa ra những dự đoán như vậy.
"Cố gắng xác định một mốc thời gian nào đó là một điều rất khó khăn. Và nói chung là phản tác dụng", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga lưu ý, rằng Mátxcơva hoàn toàn hiểu tác động của cuộc giao tranh đối với các vấn đề toàn cầu.
"Nga hiểu rằng xung đột ở Ukraine là một ‘yếu tố gây kích ứng' trong các vấn đề toàn cầu, và đang nỗ lực đạt được hòa bình càng sớm càng tốt", ông nói.
Tổng thống Putin nhắc lại thiện chí của Mátxcơva trong việc tham gia đàm phán để chấm dứt xung đột, tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng các đối thủ của Nga phải thể hiện thiện chí và sẵn sàng đối thoại.