Tổng thống Hàn Quốc bị Triều Tiên dồn ép

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (bìa phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (bìa phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un
TPO - Seoul có thể hành động đơn phương để hồi sinh hợp tác hai miền, nhưng cách đó sẽ gây rủi ro lớn cho quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn.

Ngày 9/6, Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt tất cả đường dây liên lạc được lập nên từ 2 năm trước nhờ quan hệ gần gũi giữa ông Moon với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Bước đi này của Bình Nhưỡng gây khó cho Tổng thống Hàn Quốc trong việc thực hiện hiện lời hứa sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho hai quốc gia luôn đề phòng nhau bằng vũ khí. 

Thời điểm này rất bất lợi cho ông Moon: đảng của ông giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 4, càng khiến các thành viên trong đảng kêu gọi phải hàn gắn quan hệ với Triều Tiên.

Vấn đề với Tổng thống Hàn Quốc là ông không thể hứa hẹn nhiều với Triều Tiên mà không khiến chính quyền Trump phật lòng, khi Washington nhiều lần gạt bỏ kêu gọi của Hàn Quốc về việc nới lỏng trừng phạt. 

Mỹ từ chối nới lỏng trừng phạt của Liên Hợp quốc và các biện khác nhằm vào Triều Tiên nếu nước này không chịu cam kết nhiều hơn về việc giảm số lượng vũ khí. 

Nghị sĩ Woo Won-shik, cựu chủ tịch đảng Dân chủ, hôm qua nói rằng có một “sự cần thiết cấp bách” phải khôi phụ hợp tác liên Triều. Ông cho rằng nếu Hàn Quốc không làm được điều này sẽ khiến Triều Tiên càng bị cô lập và đưa bán đảo trở về thời kỳ miệng hố chiến tranh cách đây 3 năm. 

Chủ tịch Triều Tiên đầu năm nay nói sẽ sớm ra mắt một “vũ khí chiến lược mới”, một cách để ép ông Trump trở lại bàn đàm phán khi nhà lãnh đạo Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. 

“Có nhiều dự án liên Triều có thể thúc đẩy mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt hiện nay của Liên Hợp quốc”, ông Woo nói. 

Mâu thuẫn mới nhất giữa hai nước là việc các nhà hoạt động Hàn Quốc dùng bóng bay gửi truyền đơn qua biên giới sang Triều Tiên, khi sắp đến kịp kỷ niệm 20 năm lãnh đạo cấp cao nhất của hai miền gặp nhau. 

Cuộc gặp thượng đỉnh bắt đầu vào ngày 13/6/2000 là sự kiện lớn nhất trong nỗ lực hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung thời đó, dẫn đến các hoạt động thương mại và dự án chung giữa hai nước được xúc tiến và mang lại giải Nobel Hòa bình cho nhà lãnh đạo Hàn Quốc. 

“Chính sách Ánh dương” giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo nhưng cũng bị chỉ trích là mang lại nguồn tiền mặt để Triều Tiên đầu tư vào chương trình vũ khí hạt nhân của họ. 

Quan hệ của Triều Tiên và Hàn Quốc hiện nay không còn như hồi ông Trump bước ra khỏi hội nghị thượng đỉnh với ông Kim vào tháng 2/2019 ở Hà Nội. 

Hồi đó, Seoul hồi đó ủng hộ đề xuất của nhà lãnh đạo Triều về việc sẽ từ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy các biện pháp trừng phạt được nới lỏng. Nhưng đề xuất này không đáp ứng được yêu cầu của chính quyền Trump về việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược”. 

“Đó là cảm giác bị phản bội và thất vọng”, bà Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích từng làm việc cho chính phủ Mỹ về các vấn đề Triều Tiên, đánh giá. 

“Ông Kim Jong Un cảm thấy Hàn Quốc đã dẫn ông ấy đến hiểu nhầm rằng cơ sở hạt nhân Yongbyon là đủ để đạt được một thỏa thuận với ông Trump ở Hà Nội”, bà Lee nói. 

Sau đó, Triều Tiên phớt lờ đề nghị đối thoại của ông Moon, không đoái hoài đến đề nghị viện trợ của Hàn Quốc và tiến hành thử các tên lửa đạn đạo mới có thể đưa vũ khí hạt nhân đến bất kỳ nơi nào của Hàn Quốc, nơi 28.500 lính Mỹ đang đồn trú. 

Ngày 9/6, Triều Tiên không trả lời cuộc gọi của Hàn Quốc trên đường dây liên lạc quân sự, lần đầu tiên kể từ khi đường dây này được khôi phục năm 2018, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết tại cuộc họp báo cùng ngày ở Seoul.

Sau khi cắt liên lạc, ông Kim có thể cho thử thêm tên lửa, nhưng có thể sẽ ở mức không khiến ông Trump phản ứng. 

Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn xua đi tính nghiêm trọng của các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên và cho rằng kết quả ngoại giao mà ông đạt được với Triều Tiên trong việc ngăn cản Bình Nhưỡng thử tên lửa lạn đạo liên lục địa còn tác dụng. 

“Những hành động khiêu khích như thử tên lửa sẽ diễn ra, nhưng sẽ không nghiêm trọng như một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa”, ông Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, nói với Bloomberg. 

Ông Cho cho rằng Triều Tiên không muốn đẩy ông Moon quá mạnh. “Hàn Quốc biết rằng chấm dứt quan hệ liên Triều không phải điều Bình Nhưỡng muốn”, ông Cho nhận định. 

Cuối tháng 5, chính phủ Hàn Quốc nói muốn nới lỏng hạn chế đi lại và trao đổi hai miền.
Nhưng một nỗ lực tương tự vào năm 2018 vấp phải tuyên bố thẳng thừng của ông Trump rằng Seoul không thể làm điều gì liên quan đến các biện pháp trừng phạt “mà không có sự thông qua của chúng ta”. 

Một số thành viên trong chính quyền của ông Moon gợi ý rằng Seoul có thể hành động đơn phương để hồi sinh hợp tác hai miền, nhưng cách đó sẽ gây rủi ro lớn cho quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, bà Soo Kim, một nhà phân tích về bán đảo Triều Tiên tại hãng nghiên cứu Rand Corp., bình luận. 

Ông Kim tin rằng ông không có gì nhiều để mất khi gia tăng sức ép lên ông Moon. “Triều Tiên đang giương ăng-ten, cố gắng trừng phạt, dọa dẫm và ép Seoul làm việc hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi của Bình Nhưỡng”, ông Duyeon Kim, một cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á và chính sách hạt nhân tại Nhóm quản lý khủng hoảng quốc tế, đánh giá.

“Ông Kim cảm thấy rằng mình đã lùi về phía sau vì ông Moon, nhưng tin rằng Seoul chưa bù đắp, đã phản bội Triều Tiên và không gây tác động gì lên Washington để thực hiện lời hứa”, ông Duyeon Kim nói. 

Theo theo Bloomberg
MỚI - NÓNG