Tổng thống bỏ chạy khỏi Afghanistan từng thuộc top 100 nhà tư tưởng của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ông Ashraf Ghani, người chạy khỏi Afghanistan sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, từng là một trong những học giả nổi tiếng nhất của Afghanistan.

Tổng thống Ghani rời khỏi đất nước chỉ vài giờ sau khi Taliban tiến vào thủ đô ngày 14/8, các quan chức chính phủ Afghansitan cho biết. Vẫn chưa rõ ông đang ở đâu và định đến đâu.

Đắc cử lần đầu tiên vào năm 2014, ông Ghani lên thay thế ông tổng thống Hamid Karzai, người đã dẫn dắt Afghanistan sau cuộc tấn công của Mỹ vào năm 2001 và giám sát việc Mỹ hoàn tất sứ mệnh chiến đấu.

Ông Ghani xác định ưu tiên của mình là chấm dứt chiến tranh, dù Taliban vẫn thực hiện những cuộc tấn công liên tiếp vào chính phủ và lực lượng an ninh. Ông cũng khởi đầu cuộc đàm phán hoà bình với Taliban tại thủ đô Doha của Qatar vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông Ghani, người được nói là có tính cách nóng nảy cùng suy nghĩ sâu sắc, chưa bao giờ được Taliban chấp nhận và các cuộc đàm phán hoà bình không đạt được mấy tiến triển.

Các chính phủ phương Tây chán nản với tiến trình đàm phán chậm chạp và kêu gọi thành lập một chính phủ lâm thời để thay thế.

Trong thời kỳ lãnh đạo, ông Ghani bổ nhiệm nhiều người trẻ và có học thức vào các vị trí lãnh đạo, vào thời điểm các hành lang quyền lực của đất nước bị một số nhân vật tinh hoa và mạng lưới bảo trợ chiếm đóng.

Ông Ghani hứa hẹn chống tham nhũng, phục hồi nền kinh tế và đưa đất nước trở thành một trung tâm thượng mại của Trung và Nam Á, nhưng hầu như không thực hiện được lời hứa nào.

Là một nhà nhân chủng học được đào tạo tại Mỹ, ông Ghani có bằng tiến sĩ của ĐH Columbia ở TP New York và trở thành một trong “Top 100 nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới” do tạp chí Foreign Policy bầu chọn năm 2010.

Ông Ghani không sống ở Afghanistan trong 1/4 thế kỷ, khi nước này trải qua những năm đầy biến động với sự hiện diện của Liên Xô, thời kỳ nội chiến và những năm Taliban nắm quyền.

Trong thời gian đó, ông đang nghiên cứu ở Mỹ rồi sau đó làm việc cho Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp quốc trên khắp khu vực Đông và Nam Á.

Vài tháng sau khi Mỹ tấn công vào Afghanistan, ông từ bỏ các vị trí bên ngoài để về Kabul làm cố vấn cấp cao cho Tổng thống Karzai mới đắc cử.

Ông làm bộ trưởng tài chính vào năm 2002, nhưng sau đó bất hợp tác với Tổng thống Karzai, rồi đến năm 2004 được bổ nhiệm làm chủ tịch ĐH Kabul.

Ông tiếp tục đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở Afghanistan, bao gồm nhiệm vụ phụ trách quá trình chuyển tiếp từ NATO cho người Afghanistan.

Khi ông Karzai không thể tranh cử lần thứ 3 vì quy định của hiến pháp, ông Ghani tranh cử lần hai và đắc cử vào năm 2019.

Quan hệ của ông với Washington và các nước phương Tây khác chưa bao giờ dễ dàng. Ông công khai chỉ trích tình trạng mà ông gọi là phí phạm viện trợ quốc tế vào Afghanistan và thường không để mắt đến chiến lược của phương Tây ở quốc gia này, nhất là khi phương Tây muốn đẩy nhanh tiến trình tiến tới hoà bình với Taliban.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC, ông Ghani từng nói: “Tương lai sẽ do người dân Afghanistan quyết định, không phải do ai đó ngồi sau bàn giấy và mơ tưởng”.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG