Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị cử tri giám sát, phản ánh sai phạm của cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ để giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra ở các bộ, ngành, địa phương khi tiến hành thanh tra" - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - nhấn mạnh.

“Cán bộ thanh tra như cái gương”

Đạo đức công vụ, tính liêm chính trong hoạt động thanh tra là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 5/11.

Nêu chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều cán bộ thanh tra mắc sai phạm.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị cử tri giám sát, phản ánh sai phạm của cán bộ ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Theo ông Huân, cần có bộ quy tắc quy định về liêm chính để cán bộ thanh tra tuân thủ và tự bảo vệ mình. Tổng Thanh tra và Thanh tra Chính phủ đã có những văn bản tương tự như vậy chưa? Nếu chưa có thì có định xây dựng trong tương lai hay không?

"Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ để giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra ở các bộ, ngành, địa phương khi tiến hành thanh tra. Trong thời gian tới thanh tra Chính phủ sẽ chỉ đạo và hướng dẫn thanh tra của các bộ, ngành và địa phương để tiến hành trên tinh thần quy định về quy chế, tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra như Thanh tra Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 45", Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Tổng Thanh tra cho biết quan điểm nhìn nhận, đánh giá về số lượng, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay?

Trong khi đó, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) nhìn nhận, thời gian qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm, hoặc có cũng chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự. Có hay không việc tiêu cực trong quá trình thanh tra?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng Thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất nhưng không phát hiện được vi phạm, nhưng sau khi có tố cáo phải tái thanh tra mới phát hiện có vi phạm. Dư luận nghi ngờ có tiêu cực của Đoàn thanh tra trước. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, cán bộ, công chức, người lao động ngành thanh tra cơ bản chấp hành các quy định về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, có một số trường hợp còn chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra vi phạm.

Tổng Thanh tra viện dẫn một số vụ điển hình như vụ Thanh tra Bộ Xây dựng sai phạm khi thanh tra ở Vĩnh Phúc. Cách đây gần 20 năm, ngay ở Thanh tra Chính phủ cũng có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, nhận hối lộ và bị xử lý pháp luật, xử lý hình sự.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị cử tri giám sát, phản ánh sai phạm của cán bộ ảnh 2

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong

Mong đại biểu Quốc hội, cử tri giám sát cán bộ

Theo Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng chất lượng cán bộ ngành thanh tra, như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức của ngành thanh tra, văn hóa công sở. Đặc biệt, vào tháng 7 vừa qua trên cơ sở giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 của Ban Cán sự Đảng, trong đó có quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra.

Đặc biệt, theo ông là quy định những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm. Ví dụ như không được nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra, giao lưu dưới bất cứ hình thức nào với đối tượng thanh tra và nhiều quy định khác như không được bỏ lọt, bỏ sót những vi phạm mà phải chuyển cơ quan điều tra.

Tại phiên chất vấn này, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước giúp ngành thanh tra giám sát cán bộ của các đoàn thanh tra khi làm ở các bộ, ngành, địa phương. "Nếu phát hiện những sai phạm theo điều cấm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định”, ông Phong khẳng định.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong vài tuần tới sẽ ban hành một quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra, tương tự như quy chế kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đề cao trách nhiệm và ngăn chặn những sai phạm về đạo đức công vụ trong hoạt động đoàn thanh tra.

“Cuối cùng là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được. Đây cũng là một trong những giải pháp truyền thống, xuyên suốt trong cả quá trình hoạt động lịch sử của ngành thanh tra”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, khi sửa Luật Thanh tra sẽ quy định về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra, như cấm nhận quà, tiền và giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra và một số những điều cấm khác rất cụ thể.
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.