Tổng tấn công thực phẩm bẩn

Chi cục Quản lý thị trường thành phố tịch thu hóa chất của một cửa hàng tại chợ Kim Biên hôm 27/5.
Chi cục Quản lý thị trường thành phố tịch thu hóa chất của một cửa hàng tại chợ Kim Biên hôm 27/5.
TP - Các cơ quan chức năng ở TPHCM bắt đầu chiến dịch tấn công các loại hoá chất dùng “lên đời” thực phẩm bẩn; đồng thời thanh kiểm tra các loại thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và “bêu tên” những nơi bán thực phẩm bẩn…

Phạt gần 200 vụ/tháng

Chiều ngày 27/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 5B thuộc Chi cục QLTT TPHCM bất ngờ kiểm tra những cửa hàng kinh doanh hóa chất, chất tẩy rửa công nghiệp tại chợ Kim Biên (Q.5) khiến các tiểu thương “không kịp trở tay”. Tại những cửa hàng bị kiểm tra, ngay trong cửa hàng có hàng chục thùng hóa chất công nghiệp chứa trong các can nhựa với dòng chữ viết tay sơ sài như: rửa chén, giặt tẩy, hương baby… bít cả lối đi.

Tổng lượng hàng hóa cơ quan chức năng tạm giữ của các cửa hàng này gần 400 kg bột và 759 lít hóa chất công nghiệp do vi phạm kinh doanh hóa chất công nghiệp không có hóa đơn chứng từ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ của hóa chất. Trước đó, QLTT thành phố cũng phát hiện 12,6 tấn hóa chất công nghiệp Sodium ligno sulphonate hết hạn sử dụng. Toàn bộ số hàng được niêm phong, chở về kho Chi cục QLTT tạm giữ, xử lý theo quy định pháp luật.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều chiến dịch kiểm tra đột xuất được QLTT triển khai. Theo báo cáo của Chi cục QLTT, trung bình mỗi tuần, Chi cục kiểm tra trên 200 vụ thuộc nhiều lĩnh vực như thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… Trong đó, trung bình từ 150 – 180 vụ có dấu hiệu vi phạm, xử phạt gần cả tỷ đồng. Ngay cả các trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh lớn cũng vi phạm.

Mới đây, Đội QLTT 12B đã tiêu hủy hàng chục tấn hương liệu, phụ gia hết đát của ba công ty có cùng địa chỉ A27 Bis Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12. Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng – đội trưởng Đội 12B cho biết: “Khi các điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi phải nằm vùng nhiều ngày liền để đảm bảo thông tin chính xác. Tránh tình trạng bắt lầm, bỏ lọt đối tượng vi phạm…”.

Cuối tháng 4 vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố tiến hành kiểm tra đột xuất các mặt hàng rau củ, trái cây tại các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên nhiều loại thực phẩm có nguy cơ cao, Chi cục đã phát hiện cần tây, cải ngọt, bông cải xanh… có dư lượng thuốc cao. Một cán bộ của đơn vị này tiết lộ: “Không kiểm thì thôi, chứ đã lấy mẫu kiểm định thì thể nào cũng dính”.

Kiên trì vây, siết

Ngày 29/5, PV báo Tiền Phong quay trở lại chợ Kim Biên sau những ngày “chiến dịch nóng” của QLTT để tìm mua bột Auramine O (bột màu vàng ô), nhiều người bán nhìn khách hàng rất e dè rồi cho biết không bán chất này hoặc hết hàng. Ông Thành (tiểu thương kinh doanh hóa chất) hướng dẫn: “Nếu dùng cho thực phẩm, cô có thể dùng nghệ thay cho vàng ô, màu lên rất đẹp mà lại an toàn. Bây giờ chợ này không sạp nào bán vàng ô dùng cho thực phẩm nữa. Nếu muốn mua dùng nhuộm vải thì có thể đến các công ty kinh doanh hóa chất”.

Còn tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sau khi báo chí khuyến cáo măng, cải chua tại đây được tiểu thương tẩm hóa chất để sản phẩm đẹp, tươi ngon. Ngay lập tức, người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này. Ông Chính Muội (kinh doanh măng) buồn, nói: “Giá măng rớt thê thảm, chỉ còn 13.000 đồng/ký, vậy mà hàng vẫn không bán được bao nhiêu”.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa - Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố, mỗi tháng, nơi đây tiến hành lấy mẫu đột xuất, bất kỳ của các đơn vị kinh doanh rau củ đem đi kiểm định. Cụ thể, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (25 mẫu), chợ đầu mối Bình Điền (20 mẫu), chợ đầu mối Hóc Môn (15 mẫu), 10 doanh nghiệp và 25 hộ nông dân. Kế hoạch trong năm nay là sẽ lấy 760 mẫu, nhưng ba tháng đầu năm đã kiểm định được trên 300 mẫu nên dự kiến số lượng mẫu rau kiểm định sắp tới sẽ tăng gấp đôi.

“Mục đích của việc này là nhằm khuyến cáo hộ kinh doanh khi nhập hàng phải truy xuất nguồn gốc, bởi nếu phát hiện mẫu rau bất kỳ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao thì chủ vựa phải cung cấp được địa chỉ lấy rau. Còn nếu không, chủ sạp sẽ là người chịu trách nhiệm về lô hàng của mình”- bà Thoa nói.

Ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết: “Việc kiểm tra các ngành hàng kinh doanh được Chi cục kiểm tra thường xuyên kiên trì, ráo riết. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra bất ngờ, đột xuất vào bất cứ thời điểm nào. Đơn vị làm sai tới đâu, phạt tới đó. Những nơi làm tốt thì chúng tôi sẽ tuyên dương, khuyến khích. Thời gian tới, không chỉ chợ Kim Biên mà các khu vực xung quanh như các tuyến đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Hải Thượng Lãn Ông... cũng sẽ kiểm tra gắt gao”.  

Theo số liệu từ Chi cục QLTT thành phố, tại khu vực chợ Kim Biên, trong quý I/2016, QLTT thành phố đã kiểm tra 19 vụ thì 15 vụ vi phạm. Trong đó nhiều nhất là kinh doanh hóa chất nhập lậu chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc; hóa chất hết hạn sử dụng, vi phạm quy định nhãn mác... Xử phạt với tổng số tiền 187 triệu đồng.

TPHCM lo thịt chứa chất cấm đổ về từ các tỉnh

Chiều 30/5, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong tình hình mới.

Báo cáo của UBND TPHCM cho biết, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ các tỉnh thành lân cận chiếm đến 80% lượng thực phẩm cung cấp hằng ngày cho TPHCM. Tuy nhiên, nhân sự chuyên trách tại quận huyện còn thiếu, năng lực kiểm nghiệm yếu… trong khi công tác quản lý an toàn thực phẩm giữa các tỉnh chưa đồng bộ cũng tạo nên khó khăn cho thành phố trong phát hiện, xử lý và truy nguyên nguồn gốc thực phẩm không an toàn. Lo lắng lớn nhất của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, chính là nguy cơ tồn dư lượng kháng sinh và chất cấm trong các sản phẩm thịt. Tỷ lệ bình quân tồn dư kháng sinh trong các mẫu thịt được xét nghiệm từ 2013-2015 là 27%. Ngoài ra, trong năm 2015, ghi nhận gần 6% cơ sở sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi.

Ban chỉ đạo liên ngành đề xuất Chính phủ cần có quy định về biện pháp xử lý ngăn chặn như tạm giữ hàng hóa. Lý do khi tiến hành làm test nhanh các lô hàng thực phẩm, việc xác định chất lượng có thể thực hiện trong thời gian ngắn trong khi cần xác định số lượng để có cơ sở pháp lý xử lý, phải mất nhiều ngày.

           Quốc Ngọc

MỚI - NÓNG