Sau ngày xét xử đầu tiên, các bị cáo được áp giải rời tòa vào khoảng 17h45. Video: Như Ý |
Cuộc gọi mời tham gia đề tài nghiên cứu
Chiều 3/1, sau hơn 4 giờ công bố cáo trạng, HĐXX TAND TP Hà Nội tiến hành xét hỏi 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, CDC các tỉnh, thành phố.
Trước khi xét hỏi, tòa cho cách ly bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) và Nguyễn Huỳnh (thư ký cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long)...
Người được gọi lên bục khai báo đầu tiên là bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á). Trong 1 phút tự trình bày, Việt cho biết thành lập doanh nghiệp năm 2007, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực mua bán, sản xuất chế phẩm sinh học.
Liên quan đến Đề tài nghiên cứu kit test COVID-19, Việt cho hay, vào đầu năm 2020, thời điểm dịch bệnh manh nha bùng phát, ông Trịnh Thanh Hùng gọi điện hỏi: “Có tham gia đề tài nghiên cứu test phòng chống dịch không?”. Tại cuộc trao đổi, ông Hùng nói “đề tài đang rất cấp bách” nhưng không tìm ra doanh nghiệp nào đủ năng lực ngoài Công ty Việt Á. Sau khi nhận lời, Phan Quốc Việt khai được lãnh đạo Bộ KH&CN giao đề tài và “áp” trong một tháng phải hoàn thành.
Bị cáo Phan Quốc Việt. Ảnh Như Ý |
“Thời gian họp giao đề tài ngày 2/2/2020, đến ngày 14/2/2020 thì Việt Á hoàn thiện việc sản xuất kit thử nghiệm… Sau khi sản xuất thành công, chúng tôi mang sản phẩm đi so sánh với quy trình nghiên cứu của Học viện Quân Y rồi chuyển sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm nghiệm”, bị cáo nói.
Vẫn theo lời bị cáo Việt, dù có kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ song phải đến tháng 12 cùng năm mới được cơ quan chức năng cấp phép sản xuất, lưu hành. Lý do, “lâu được cấp phép” là các đơn vị lần đầu đối mặt với dịch bệnh nên “rất thận trọng”.
Khi Chủ tọa đặt câu hỏi: “Trên hồ sơ cấp phép đề tài sao không mang tên đơn vị nghiên cứu là Học viện Quân Y mà là tên Công ty Việt Á?” Phan Quốc Việt trả lời ngắn gọn: “Tôi cũng không rõ”.
Chi tiết từng khoản chi hối lộ
Liên quan đến cấp phép sản xuất và lưu hành kit test, Phan Quốc Việt khai rằng, thông qua ông Nguyễn Huỳnh, bị cáo đã "kết nối" với ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) và Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính) tác động họ hiệp thương giá.
Trả lời câu hỏi về các khoản chi hối lộ cho cựu quan chức, Phan Quốc Việt khai rành rọt việc bản thân trực tiếp đưa ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; Nguyễn Văn Trịnh (nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên 100.000 USD; ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD.
Riêng ông Nguyễn Huỳnh có lần trao đổi với Việt rằng: “chỗ ông Nguyễn Thanh Long đang cần tiền giải quyết công việc”, vì vậy cựu Tổng giám đốc Việt Á đã "hào phóng" đưa hơn 2,2 triệu USD và 4 tỷ đồng tiền mặt. Số tiền này, ông Huỳnh đưa lại cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hơn 2,2 triệu USD và giữ hơn 4 tỷ đồng chi tiêu cá nhân.
Ngoài ra, tại CDC Hải Dương, Phan Quốc Việt khai chỉ đạo thuộc cấp “lại quả” hơn 27 tỷ đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc); cá nhân Việt trực tiếp "biếu" cựu Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng 100.000 USD.
“Bị cáo có rất nhiều kỷ niệm với Hải Dương, trong thời gian dịch, hơn 30 nhân viên của Việt Á đã đến tỉnh này ăn, ở 3 tháng trời, xuyên qua Tết để cùng chống dịch. Sau khi nhận các khoản thanh toán trên hợp đồng, bị cáo đã trích lại lợi nhuận để chia sẻ với họ”, Phan Quốc Việt khai.
Tại CDC các tỉnh, thành phố khác, Tổng giám đốc Công ty Việt Á thừa nhận chỉ đạo "chung chung" sau khi hợp đồng hoàn tất việc thanh toán hợp đồng sẽ chi “hoa hồng” theo thỏa thuận. Việc chi này nhân viên công ty tự thực hiện.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh Như Ý |
Trong cáo trạng, Viện KSND Tối cao cáo buộc khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ KH&CN giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Việt Á được Bộ phê duyệt tham gia, phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Sau đó, Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long can thiệp, tác động, chỉ đạo bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm COVID-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.
Kết quả điều tra xác định trong năm 2020 và 2021 tổng doanh thu của Công ty Việt Á là hơn 4.247 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Việt Á đã sản xuất tổng hơn 8,7 triệu kit test, đã tiêu thụ cho các đơn vị, cơ sở y tế là hơn 8,3 triệu kit test với tổng giá trị hơn 3.929 tỷ đồng (giá 470.000 đồng/kit). Đã được thanh toán hơn 5.918.266 kit với tổng giá trị 2.257 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt cùng nhóm cựu quan chức cấp cao đã gây thiệt hại hơn 432 tỷ đồng.