Tứ đại hào phú vang bóng một thời...

Tổng đốc Phương làm giàu từ quan lộ

Tổng đốc Phương làm giàu từ quan lộ
TP - Trong Tứ đại phú hào nức danh miền Nam cuối thế kỷ 19 thì Tổng đốc Phương đứng thứ nhì. Nhưng khác với những phú hào giàu lên bằng con đường làm ăn khá chân chính thì Tổng đốc Phương lại chọn con đường chính trị.
Tổng đốc Phương làm giàu từ quan lộ ảnh 1

Tổng đốc Phương với nhiều công trạng được ban tặng.

Tổng đốc Phương tên thật là Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841 tại Chợ Đũi (Sài Gòn). Là người Việt gốc Hoa, cha Đỗ Hữu Phương là Bá hộ Khiêm (gốc Hoa) sang Việt Nam từ nhỏ và có một tiệm buôn ở chợ Lớn. Nhờ gia đình có điều kiện, Đỗ Hữu Phương được đi học nên ngoài tiếng Việt, ông nói tốt tiếng Pháp và giỏi tiếng Hán. Nhưng thay vì làm buôn bán như cha mẹ và cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn thì Đỗ Hữu Phương lại đi theo con đường chính trị.

Sau khi Pháp chiếm đồn Kỳ Hòa (1861), Đỗ Hữu Phương chỉ mới 20 tuổi nhưng đã ôm mộng làm quan. Nhờ một người quen là Cai tổng Đỗ Kiến Phước, Đỗ Hữu Phương được dẫn đến giới thiệu với Tham biện hạt Chợ Lớn là Francis Garnier (Garnier chính là viên đại úy Pháp sau này tổ chức tấn công và chiếm thành Hà Nội).

Trở lại câu chuyện Đỗ Hữu Phương, thấy Phương biết tiếng Pháp lại có gia thế giàu có, Garnier bổ nhiệm Đỗ Hữu Phương làm chức Hộ trưởng (Khi đó khu vực Chợ Lớn được chia địa giới làm 20 hộ). Từ đó Đỗ Hữu Phương trở thành viên chức làm việc cho Pháp.

Theo sử cũ ghi lại thì Đỗ Hữu Phương tham gia nhiều trận cho người Pháp như đánh vào lực lượng Trương Quyền (con trai của Đại Nguyên soái Bình Tây Trương Định) tại Bà Điểm vào tháng 7/1866. Trận này quân Pháp thắng trận và truy đuổi Trương Quyền đến tận Bến Lức (Long An). Một trận khác là vào cuối năm 1866, Đỗ Hữu Phương cùng quân Pháp xuống Bến Tre chiêu dụ hai con trai của Chí sỹ yêu nước Phan Thanh Giản (Phan Tôn và Phan Liêm) đầu hàng.

Tháng 3/1868, Đỗ Hữu Phương xuống Rạch Giá (Kiên Giang) đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực và bị thương nặng phải đưa về Sài Gòn chữa trị. Một mặt, Phương ra sức giúp người Pháp tiêu diệt các lực lượng khởi nghĩa song mặt khác, ông lại bí mật giúp một số nhân sỹ yêu nước. Điển hình là trường hợp của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), chiến đấu bên các lãnh tụ nghĩa quân Trương Định, Âu Dương Lân...

Năm 1864, Thủ khoa Huân bị Pháp bắt và kết án khổ sai, đày đi Cayenne (thuộc địa của Pháp tại Nam Mỹ). Ở tù được 5 năm, Thủ khoa Huân được Pháp ân xá nhờ Đỗ Hữu Phương bảo lãnh. Nhờ đó, suốt 3 năm, Thủ khoa Huân đã bí mật liên lạc với các Hoa kiều trong Thiên Địa hội, mua vũ khí, đạn dược để chuẩn bị khởi nghĩa. Vụ việc vỡ lở, Thủ khoa Huân bị Pháp bắt, hành quyết.

Tổng đốc Phương làm giàu từ quan lộ ảnh 2 Dinh cơ một thời của Tổng đốc Phương.

Theo sử cũ ghi lại, tham gia bắt Nguyễn Hữu Huân cũng chính là Đỗ Hữu Phương, người từng bảo lãnh cho ông.

Có lẽ từ những mối quan hệ khá dích dắc như thế, Đỗ Hữu Phương chiếm được cảm tình với nhiều giới từ chính quyền Pháp cho tới các thương gia người Hoa và cả các chí sỹ yêu nước. Từ năm 1872, Đỗ Hữu Phương được chỉ định làm ủy viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, rồi trở thành phụ tá Xã Tây Chợ Lớn. Phương cũng được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế thì phong Đỗ Hữu Phương thành Tổng đốc và được ban thưởng tới 2.223 mẫu ruộng.

So về ruộng đất thì Đỗ Hữu Phương chưa thể nhiều bằng các phú hào khác tại miền Nam như phú hào Trần Trinh Trạch ở Bạc Liêu, phú hào Lê Công Sủng ở Tiền Giang… nhưng trong thời gian làm quan chức tại Sài Gòn, Đỗ Hữu Phương thường coi là người trung gian để môi giới cho giới thương gia người Hoa quan hệ với chính quyền Pháp. Việc ra tay cứu giúp Thủ Khoa Huân khiến một số lực lượng khởi nghĩa yêu mến Đỗ Hữu Phương (trong đó có rất nhiều tá điền, những người làm công trên ruộng đất của Đỗ Hữu Phương) và có lẽ đây chính là nền tảng cho gia đình Đỗ Hữu Phương làm giàu.

Theo sử cũ ghi lại thì Đỗ Hữu Phương chỉ lo quan hệ với bên ngoài, còn việc làm ăn trong nhà ông giao hết cho vợ. Vợ Đỗ Hữu Phương là con của một quan triều Nguyễn gốc Quảng Nam nên cũng có điều kiện học hành. Sau khi cưới nhau, gia đình Đỗ Hữu Phương ở tại một căn nhà lớn thuộc quận 1. Nhưng vợ Đỗ Hữu Phương không sống theo kiểu đài các như nhiều phu nhân giàu có khác. Bà biết thu vén để đem thêm tiền bạc về cho gia đình. 

Tổng đốc Phương làm giàu từ quan lộ ảnh 3 Tổng đốc Phương thời trẻ.

Với hệ thống mua bán kinh doanh lên đến hàng nghìn cơ sở, bà lo việc kết nối các tiểu thương, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt. Ruộng đất cho các tá điền thuê lại và do đích thân bà quản lý về tô thuế. Thóc lúa thu về nhiều, nhờ các mối quan hệ, gia đình Đỗ Hữu Phương đã chi phối được một phần giao dịch thông thương tại các bến cảng Sài Gòn để bán lúa giá cao.

Về độ giàu có của vợ chồng phú hộ Phương, sử cũ kể rằng, gia đình có riêng một đội đếm tiền hơn chục người được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Những người này ăn ngủ tại chỗ chỉ để đếm tiền. Số tiền được họ bó buộc chặt rồi cất vào căn phòng kín kiên cố và khóa nhiều lớp. Chùm chìa khóa của căn phòng chỉ có vợ ông Phương được giữ và nó gần như là vật bất ly thân đối với bà.

Chồng làm quan, xây dựng các mối quan hệ còn vợ đứng đàng sau, nhờ các quan hệ này để làm giàu có lẽ là mô hình khá mới mẻ thời đó. Nhưng mô hình này đã tỏ ra hữu dụng khi nó giúp cho gia đình Đỗ Hữu Phương vươn lên đứng thứ Nhì trong “TOP 4” đại phú hào miền Nam ngày đó. Và có lẽ đến bây giờ, vẫn còn nhiều quan chức áp dụng mô hình này?

Sau này, có lẽ ăn năn, sám hối, Đỗ Hữu Phương đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện như xây dựng Trường Collège de Jeunes Filles Indigènes (tức Trường nữ Trung học Sài Gòn, sau này đổi tên là trường Áo Tím, trường Gia Long và nay có tên là trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). Ngoài ra ông ta cũng bỏ nhiều tiền xây dựng cầu Ông Lớn tại chợ Lớn, tu bổ rất nhiều chùa chiền, miếu mạo quanh vùng.

Đỗ Hữu Phương nhập quốc tịch Pháp nhưng vẫn sinh sống tại Sài Gòn cho đến khi mất. Đám tang của ông, sách Sài Gòn năm xưa viết: “Đám tang của vị Tổng đốc được tổ chức rất trọng thể. Thi hài của ngài quàn nửa tháng mới chôn. Hàng ngày có hàng trăm khách viếng. Tang gia cho mổ trâu, bò, heo liên miên cúng và đãi khách. Để ghi công của Đỗ Hữu Phương, chính quyền Sài Gòn đã đặt tên đường Tổng đốc Phương (hiện là đường Châu Văn Liêm, quận 5).

Sau khi cưới nhau, gia đình Đỗ Hữu Phương ở tại một căn nhà lớn thuộc quận 1. Nhưng vợ Đỗ Hữu Phương không sống theo kiểu đài các như nhiều phu nhân giàu có khác. Bà biết thu vén để đem thêm tiền bạc về cho gia đình.

5 người con trai của Đỗ Hữu Phương đều thành đạt nhưng sống và làm việc chủ yếu tại Pháp. 3 cô con gái đều được gả cho các gia đình danh giá tại Việt Nam. Hiện ở Việt Nam gia đình Đỗ Hữu Phương chỉ còn nhà thờ dòng tộc được đặt tại một hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận 3).

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.