Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, việc buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ...
Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trong thời gian gần đây có thay đổi so với các năm trước. Các đối tượng buôn lậu thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn đến nay đã xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.
Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, đang diễn biến với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ giá thành thấp để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ....
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thực tiễn còn bất cập, do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc.