Tổng cục Đường bộ yêu cầu BOT Pháp Vân giải trình

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bị yêu cầu phải bổ sung, công khai dữ liệu còn thiếu. Ảnh T.Hiếu
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bị yêu cầu phải bổ sung, công khai dữ liệu còn thiếu. Ảnh T.Hiếu
TPO - Trước thông tin báo Tiền Phong nêu về việc trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ còn thiếu nhiều dữ liệu sao lưu hình ảnh, video trước thời điểm 10/6/2019, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chiều 11/6, đã làm việc đột xuất với các bên liên quan. PV Tiền Phong cũng được mời tham dự buổi làm việc này.

Chủ trì buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện cho rằng, do liên quan đến đời sống hàng ngày của nhiều tầng lớp xã hội nên các trạm BOT nói chung hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân.

Vì vậy, trách nhiệm các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong đó có Tổng cục ĐBVN là phải thường xuyên nâng cao vai trò giám sát, hậu kiểm và yêu cầu nhà đầu tư các trạm BOT thực hiện nghiêm túc các quy định nhà nước, công khai toàn bộ hoạt động tại trạm, từ lưu lượng xe cho đến doanh thu… “Nhà đầu tư nào không thực hiện được việc này, để dư luận nhân dân phản ứng mạnh là phải “đóng trạm”, ông Huyện nhấn mạnh.

Với trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Huyện cho rằng, mặc dù sau thời điểm 10/6, hệ thống giám sát, sao lưu tại trạm thu phí đã đáp ứng theo các quy định của Thông tư 49, tuy nhiên một số dữ liệu hình ảnh trước đó nhà đầu tư vẫn còn thiếu, chưa trích xuất đầy đủ cho cơ quan chức năng khi được kiểm tra. Việc này nhà đầu tư cần phải có giải trình, bổ sung trong những ngày tới. “Trong trường hợp không trích xuất được, chứng minh được các dữ liệu, trạm đương nhiên là phải bị xử lý với quy định cao nhất”, ông Huyện khẳng định.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu BOT Pháp Vân giải trình ảnh 1

Tổng cục trưởng ĐBVN (người ngồi giữa) chỉ đạo đại diện nhà đầu tư (người đứng) phải bổ sung, cung cấp công khai dữ liệu còn thiếu. Ảnh: T.Hiếu

Tiếp nhận các yêu cầu của lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, nhưng ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) cũng giải thích rằng, mặc dù Thông tư 49 có hiệu lực từ 1/3/2017 nhưng do nhà đầu tư phải đàm phán ký lại Phụ lục hợp đồng BOT với Bộ Giao thông Vận tải nên việc thực hiện quy định thực tế năm 2018 mới triển khai, cùng với đó nhà đầu tư cũng phải có thời gian trang bị, nâng cấp máy móc.

“Đến nay, sau thời điểm 10/6, nhà đầu tư đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống giám sát, sao lưu theo quy định mới”, ông Oánh nói.

Đáp lại ý kiến của đại diện nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, dù là nguyên nhân gì đi nữa thì việc lưu trữ và sao lưu dữ liệu tại trạm nhà đầu tư vẫn phải thực hiện thường xuyên, liên tục theo quy định. Việc này vừa là để phục vụ công tác điều hành tại trạm vừa đáp ứng các yêu cầu khi cơ quan quản lý có thẩm quyền yêu cầu để đối chứng, hậu kiểm.

“Cục Quản lý đường bộ I và nhà đầu tư BOT Pháo Vân – Cầu Giẽ, cần thực hiện ngay việc sao lưu, bổ sung các dữ liệu còn thiếu, sớm cung cấp cho các cơ quan liên quan của Tổng cục và báo Tiền Phong theo quy định”, ông Huyện kết luận buổi làm việc.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.