Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận với PV Tiền Phong. Theo ông Huyện, thực hiện các quy định về quản giám sát, quản lý của lãnh đạo Bộ GTVT, từ năm 2018 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí, trong đó có việc áp dụng cộng nghệ để nâng cao công tác hoạt động, truyền dữ liệu, quản lý nhà nước tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dịp cuối năm 2018, Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý và khai thác. Sau khi kiểm tra, tại trạm thu phí của nhà đầu tư chưa thực hiện một số nội dung nâng cao công tác hoạt động, quản lý nên Tổng Cục đã có thông báo yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải khắc phục và thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí.
Tuy nhiên đến nay, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện các yêu cầu trên. Nội dung này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Bộ cũng thống nhất phương án xử lý, cụ thể Tổng cục yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo quy định.
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn là đường nhà nước xây dựng, đến đầu năm 2015 Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi chưa xong giai đoạn 1, nhưng Bộ GTVT đã chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi. Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.
Tuy nhiên theo số liệu kiểm đếm xe độc lập mà PV Tiền Phong có được trong loạt bài “Nghịch lý các dự án BOT” (đăng tháng 6/2016), với bình quân 25.000 lượt xe/ngày, nếu quy về dạng xe tiêu chuẩn thì mỗi ngày trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được tổng số tiền 1,6 đến 1,8 tỷ đồng/ngày. Với mức thu và lưu lượng này, chỉ cần 11 năm 7 tháng là đủ số tiền đầu tư chứ không cần phải kéo dài đến 17 năm 3 tháng.
Cũng do nhà đầu tư không minh bạch con số doanh thu với các liên danh thi công dự án, đầu năm 2016, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Cienco1), đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo nhà đầu tư Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không minh bạch doạn thu, công khai thông tin thu phí.
Sau sự việc trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả, sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng. So với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.
Dịp đầu năm 2019 vừa qua, nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã đề xuất với Tổng Cục đường bộ miễn phí cho phương tiện qua lại trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, bắt đầu tư mùng 1 Tết. Tuy nhiên đề xuất này không được Tổng Cục đường bộ chấp thuận.