Tổng cục Đường bộ họp khẩn xử lí vướng mắc tại BOT T2 quốc lộ 91

TPO - Sau khi cầu Vàm Cống khánh thành đã xảy ra bất cập về vấn đề thu phí tại trạm BOT T2 quốc lộ 91 khiến nhiều tài xế bức xúc chiếm làn phản ứng diễn ra trong những ngày qua. Trước tình hình đó, Tổng cục đường bộ đã họp khẩn cấp để bàn giải pháp cho trạm này.
Tổng cục Đường bộ họp khẩn xử lí vướng mắc tại BOT T2 quốc lộ 91 ảnh 1

Trạm BOT T2.

Sáng 23/5, Tổng cục đường bộ đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp để giải quyết các vướng mắc xảy ra tại trạm BOT T2 (thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Tại đây, có sự tham dự của đại diện Sở GTVT TP TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, cùng đại diện quận Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), TP Long Xuyên (An Giang), huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và Công ty Cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang.

Từ rất sớm các phóng viên báo đài Trung ương và địa phương đã có mặt nhưng chủ tọa thông báo họp nội bộ, không cho báo chí tham dự.

Theo thông tin các thành viên dự họp, đại diện các bên đã cung cấp thêm thông tin về dự án và đưa ra một số đề xuất để giải quyết các vấn đề liên quan tới các kiến nghị của lái xe về trạm thu phí T2 Quốc lộ 91.

Tại đây, một số phương án được đưa ra bàn thảo như: Giảm phí, di dời trạm thu phí về vị trí khác, phát thẻ thu phí với mức phí riêng khoảng 2.000 đồng/lượt xe cho những xe chỉ đi 300m – 1km để lên cầu Vàm Cống qua An Giang.

Tất cả các phương án trên đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận để báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT quyết định.

Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT An Giang nói: “Tổng cục đường bộ Việt Nam cần có thông cáo báo chí để được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và các lái xe. Không để tình trạng nóng lên một cách vô lí vì thu phí là chuyện nhỏ, còn cái việc lớn bây giờ là xáo trộn xã hội, bất ổn an ninh thì cần thiết phải chú trọng hơn”.

Tổng cục Đường bộ họp khẩn xử lí vướng mắc tại BOT T2 quốc lộ 91 ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang trả lời báo chí sau cuộc họp nội bộ - Ảnh: Kim Hà.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết: Năm 2018, khi một số tài xế phản đối trạm thu phí, mức phí qua trạm đã được miễn, giảm cho xe người dân trong bán kính 8km quanh trạm thu phí. Sau đó dự án hoạt động ổn định. Tuy nhiên, từ ngày 19/5 vừa qua, khi thông xe cầu Vàm Cống, các lái xe lại phản đối.

“Sau khi thực hiện giảm phí, thời gian thu phí của dự án tăng từ 17 lên 34 năm nên nhà đầu tư rất khó khăn”: ông Khang nói. Để giải quyết, nhà đầu tư đang kiến nghị địa phương (Cần Thơ), Bộ GTVT nghiên cứu hỗ trợ phần chi phí giải phóng mặt bằng dự án (trên 400 tỷ đồng), một phần vốn đầu tư, để phương án tài chính không bị phá vỡ. Bên cạnh đó, theo hợp đồng BOT, đến năm 2020 sẽ được tăng phí thêm 18% (3 năm tăng 1 lần) nhưng vì mới giảm phí từ năm 2018 nên sẽ không tăng phí. Còn phương án cuối cùng ra sao vẫn phải đợi Tổng cục Đường bộ quyết định.

Riêng việc đề xuất di dời, thậm chí xoá bỏ trạm thu phí T2, theo nhà đầu tư, Dự án này do Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT. Nếu có thay đổi gì liên quan tới dự án đầu tư, phải do cơ quan phê duyệt quyết định.

Tổng cục Đường bộ họp khẩn xử lí vướng mắc tại BOT T2 quốc lộ 91 ảnh 3 Tài xế chiếm làn phản ứng vào ngày 21/5.

Trước đó, vào khoảng 12h20 ngày 21/5, 4 xe ô tô đã dừng đỗ vào làn thu phí của trạm thu phí T2 QL91, những xe này không trả phí gây ùn tắc trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Những lái xe này cho rằng, xe họ chỉ đi đoạn ngắn khoảng 300m từ An Giang để lên cầu Vàm Cống nhưng phải trả phí cho toàn tuyến.

MỚI - NÓNG