Tổng chủ biên giáo dục phổ thông nói về những điều chỉnh so với bản dự thảo

GS. Nguyễn Minh Thuyết.
GS. Nguyễn Minh Thuyết.
TPO - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, so với bản dự thảo được công bố tháng 4 vừa qua, bản chính có nhiều điều chỉnh. Là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này, GS. Nguyễn Minh Thuyết đã có trao đổi với Tiền Phong về những điều chỉnh đó.

Thưa ông, bản điều chỉnh có thay đổi những gì?

Sau khi Bộ đưa dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lên mạng để lấy ý kiến của các tổ chức cá nhân ngày 12/4, chúng tôi có nghiên cứu các ý kiến đó. Những ý kiến đóng góp hợp lý, chúng tôi đều tiếp thu.  Về cơ bản, bản chính thức không khác so với bản dự thảo đã công bố. Định hướng vẫn như thế., chỉ sửa một số chi tiết. Đặc biệt là giảm  số môn học, giảm giờ học.

Từ khi công bố dự thảo, nhiều nhà khoa học của Việt Nam đã cho rằng thời lượng học của Việt Nam quá ít so với học sinh thế giới. Tại sao chúng ta vẫn giảm, thưa ông?

Điều này Ban Phát triển chương trình biết rất rõ. Chính tôi cũng đã phát biểu với báo chí là các tài liệu của UNESCO, của Ngân hàng thế giới, của OECD đều cảnh báo điều này. Số giờ học trung bình ở các nước  OECD đối với lứa tuổi từ 7-15 là 7400 giờ (mỗi giờ là 60 phút). Còn ở Việt Nam, tính  cả giờ tự học có hướng dẫn, giờ học các môn tự chọn, nội  dung giáo dục địa phương chỉ có 6900 giờ. Lý do là học sinh các nước học cả ngày. Ở Việt Nam, chỉ có trên 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; còn học sinh các cấp THCS, THPT nhìn chung đều học 1 buổi/ngày. Nhưng ngay ở tiểu học, gọi là học 2 buổi/ngày cũng có nhiều mức lắm: Có trường học 9 buổi/tuần, có trường 8 buổi/tuần, 7 buổi/tuần. Trong những trường học 1 buổi/ngày, có trường cố thêm được buổi thứ 6 trong tuần, nhưng cũng có trường chỉ học được 5 buổi/tuần thôi. So với những trường học 9 buổi/tuần thì số giờ học ở những trường học 5 buổi/tuần chỉ hơn một nửa. Vì vậy, nếu chương trình chỉ viết cho những trường 9 buổi/tuần thì những trường chỉ học 5 buổi/tuần không theo được. Nhưng nếu xây dựng chương trình cho phù hợp với những trường học 5 buổi/tuần thì có nghĩa là kéo cả nước xuống. Do đó, Ban Phát triển chương trình phải sắp xếp làm sao cho trường học 5 hoặc 6 buổi/tuần cũng thực hiện được nội dung bắt buộc thống nhất trong cả nước; còn trường học 8, 9 buổi/tuần thì có điều kiện để tổ chức thực hành, học các môn tự chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, rèn luyện thể thao, văn nghệ,…

Thứ hai, bố trí thêm môn học, giờ học cũng phải tính đến lực lượng giáo viên. Tăng giờ tức là tăng biên chế hoặc tăng số giờ dạy của giáo viên. Với hoàn cảnh thực tại của nước ta, điều này không khả thi, ít nhất là ở các trường công lập.  

Làm chương trình giáo dục giống như giải một bài toán có nhiều tham số; phải làm sao để cân đối ở mức có thể chấp nhận được.

Nhưng chương trình có tính đến khả năng đáp ứng sau này của Việt Nam?

Chu kỳ một chương trình giáo dục ở một số nước bây giờ rất ngắn, có khi chỉ 5-7 năm người ta đã phải thay đổi rồi. Việc này phụ thuộc  vào diễn biến chung của bối cảnh trong nước và quốc tế như thế nào. Ví dụ như trước đây, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp cách nhau hàng trăm năm; nhưng bây giờ chỉ tính bằng vài chục năm. Chương trình giáo dục phải được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thực tế. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là phải xây dựng một chương trình có tầm nhìn xa, để những đường hướng cơ bản có tính ổn định, nếu có điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh chi tiết. Ví dụ, chương trình tổng thể chia các môn học mà học sinh được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở THPT thành các nhóm môn. Những nhóm môn này  sau có thể phát triển tùy vào tình hình phát triển của đất nước, vào đội ngũ nhân lực. Ví dụ như nhóm môn khoa học xã hội bây giờ chỉ có ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Sau này, có thể tách riêng Kinh tế, Pháp luật và bổ sung một số môn như Tâm lý học, Xã hội học, Văn hóa, Tôn giáo,… như ở một số nước. Chúng ta chưa thể đem những môn này vào trường phổ thông vì các trường sư phạm chưa đào tạo và cái chính là ví chưa thể bố trí được định biên cho giáo viên. Chương trình đã “vạch” sẵn “đường ray”, chỉ cần có khách (nhu cầu) và có người lái tàu, người phục vụ (cán bộ, giáo viên) là có thể mở đường.

Trong bản chính cũng có một điểm mới nữa là  đưa nội dung hướng nghiệp từ năm lớp 8. Ông lý giải sao về nội dung này?

Thực tế của Việt Nam hiện nay là thừa thầy thiếu thợ. Do đó, Nghị quyết 29 của Trung ương cũng như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã yêu cầu phân luồng mạnh từ THCS. Chương trình GDPT cần hướng nghiệp sớm cho học sinh để họ tự quyết định con đường đi của mình.

Tuy nhiên, giáo dục phổ thông không làm thay giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin về thị trường lao động, về ngành nghề; giúp học sinh tự đánh giá được năng lực, sở thích, quan niệm về giá trị của mình; từ đó giúp các em tự chọn hướng đi phù hợp cho mình và chuẩn bị cho hướng đi đó.

Vì sao  trong bản chính lại không đề cập tới nội dung bỏ thi tốt nghiệp THPT như bản dự thảo, thưa ông?

Dự thảo trước có dự kiến sử dụng kết quả đánh giá định kỳ của các trường làm cơ sở công nhận tốt nghiệp vì chúng tôi nhận thức là muốn chương trình này thành công thì phải thay đổi hình thức xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Có thay đổi cách tổ chức xét tốt nghiệp mới chuyển được thói quen “Thi gì học nấy, thi cách gì học cách nấy” sang “Học gì thi nấy, học cách gì thi cách nấy”.

Nhưng khi đưa ra Hội đồng thẩm định để xem xét thì Hội đồng thẩm định nhận thấy Luật Giáo dục quy định là học sinh phải thi tốt nghiệp; Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng chỉ yêu cầu “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp”, chứ chưa nói rõ là bỏ kỳ thi; cho nên đề nghị chúng tôi không nên vội quy định vấn đề này mà để chờ Quốc hội sửa Luật Giáo dục.  

Do đó, dự thảo mới chỉ coi việc tổ chức đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, là một điều kiện để thực hiện chương trình và chỉ đưa ra những nguyên tắc chung theo hướng quy định Việc đánh giá kết quả giáo dục phải hỗ trợ phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.