Trọn đời hiến dâng cho nước, cho dân
- Là người kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông đánh giá thế nào về những dấu ấn của Tổng Bí thư trong quá trình công tác?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo mà trong quá trình hoạt động của mình đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm cả trong công cuộc đổi mới, xây dựng Đảng và mở rộng quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt với những nước lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, ngày 14/11/2021. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN. |
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất phong phú, toàn diện trên mọi lĩnh vực, cả trong kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh.
Nếu xét trên phương diện giai đoạn lịch sử của những năm tháng vừa qua, cụ thể là gần 3 nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, phải nói đây là một nhân vật, nhà lãnh đạo xuất sắc trước những yêu cầu của giai đoạn này. Điều đó được thể hiện: Kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Cộng đồng thế giới coi trọng vị trí của Việt Nam không chỉ ở khu vực mà trên phạm vi quốc tế.
Còn nếu muốn nói một điểm nhấn đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đó chính là công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và trong xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, chưa bao giờ làm mạnh mẽ, quyết liệt, liên tục như những năm vừa qua. Điều đó thấy rõ nhất ở việc xử lý các vụ việc nổi cộm trong dư luận xã hội.
Nói một cách khái quát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người suốt đời, cho đến hơi thở cuối cùng hiến dâng cho đất nước, vì Đảng, vì dân. Điều này không ai có thể nói khác được. Ngay cả truyền thông trên thế giới, trước đây, bây giờ và chắc cả sau này tôi tin điều ấy sẽ là nhận xét hết sức khách quan, thống nhất.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi với PV Tiền Phong. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài. |
Những chiếc áo sơ mi mặc sờn cả chục năm
- Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng đều coi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập”, ông có thể chia sẻ thêm về con người của Tổng Bí thư trong công việc cũng như trong cuộc sống?
"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là đòi hỏi chung với cán bộ đảng viên, nhưng với người lãnh đạo yêu cầu ấy còn ở mức cao hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người làm được điều ấy trong thực tế cực kỳ mẫu mực, hết sức gương mẫu.
Người lãnh đạo có 2 tiêu chí lớn để cán bộ, đảng viên đánh giá, nhận xét: Một là tài, hai là đức. Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tài được thể hiện trong tư duy, tầm nhìn, những ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo. Điều ấy không những trước mắt mà lịch sử sẽ tiếp tục nhận xét đánh giá.
Nhưng những điều người dân bình thường nhận thấy được, những người ở gần càng cảm nhận rõ đó là đạo đức. Không cần giải thích, chứng minh gì nhiều. Cái đó nhìn vào sinh hoạt, phong cách, đi lại, tiếp xúc với nhân dân, từ chiếc áo mặc trên người, chiếc kính đeo...
Tôi làm việc cùng tôi biết, nhiều vật dụng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng qua mấy chục năm. Như kính, Tổng Bí thư dùng mấy chục năm nay không thay. Hay như chiếc cặp đi làm của Tổng Bí thư hết sức bình dị, dùng hết năm này qua năm khác không thay đổi suốt mấy chục năm. Hay như chiếc áo khoác, áo sơ mi đã mặc sờn cả chục năm từ thời tôi đang làm việc mà Tổng Bí thư vẫn mặc. Điều đó thể hiện một phong cách giản dị, quần chúng, dễ gần.
Trong tiếp xúc cũng vậy, khi gặp người, ta cảm thấy đồng chí là một con người gần gũi, thân mật, chân tình. Cảm nhận ấy từ cử chỉ, phong thái con người đồng chí toát ra chứ không phải cố làm trở thành như thế. Những người cố làm thì chỉ lúc này nhưng lúc khác sẽ lộ ra, còn phong thái của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhất quán, từ chính con người đồng chí.
Nếu nói riêng một chút, tôi là người tiếp nhận bàn giao cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Sự giản dị, gần gũi, thiết thực trong công việc được thể hiện từ những ngày đầu trong buổi gặp bàn giao công việc. Cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy bàn giao không trang hoàng, không cờ hoa, không biển hiệu. Tôi có kể lại việc này trong sách, hôm nhận bàn giao không có cả hoa tặng người đi và người tới. Rất giản dị, khác các cuộc bàn giao ở nơi này, nơi kia.
Cái đó là nhất quán từ khi đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và khi làm Tổng Bí thư. Nếu ai vào căn phòng làm việc của Tổng Bí thư thì sẽ thấy chỉ có 1 bộ bàn ghế rất bình thường giống trước đây khi làm việc ở Thành ủy Hà Nội.
Về công việc, đồng chí là một người làm việc quên mình. Tôi tin chắc rằng những suy nghĩ về đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên tất cả các cương vị công tác đều là người một lòng một dạ vì Đảng, vì dân. Đó là điều không ai phải nghi ngờ.
Tấm gương đạo đức lan tỏa toàn xã hội
- Như ông chia sẻ điểm nhấn trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng Đảng. Vậy làm thế nào để tiếp tục "giữ lửa" cho lò nóng trong giai đoạn sắp tới?
Tôi nghĩ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để loại bỏ cái sai, cái xấu trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ là quá trình Đảng ta đã làm liên tục, ở tất cả các thời kỳ. Trong từng thời kỳ cái tiêu cực, cái xấu có biểu hiện khác nhau.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng rất quan trọng vì nó không chỉ đụng chạm đến danh dự, uy tín, lòng tham của con người mà cái khó hơn nhiều chính là tự đấu tranh giải quyết vấn đề trong nội bộ đội ngũ của chúng ta. Rất khác với chiến tranh đánh giặc, đối tượng chiến đấu phân biệt địch ta rõ ràng, còn bây giờ tham nhũng tiêu cực chính là đồng chí, đồng đội, là cấp dưới, là cấp trên của mình.
Theo tôi, vai trò cá nhân trong lịch sử rất quan trọng. Nhưng mặt khác Đảng ta là Đảng có truyền thống đoàn kết, thống nhất, những quyết định đưa ra để thực hiện việc này hay việc khác nói chung là sản phẩm trí tuệ, ý chí tập thể lãnh đạo.
Có thể năm tháng vừa qua chúng ta thấy vị trí của Tổng Bí thư rất nổi bật, là người đi đầu, là người chỉ đạo trực tiếp. Tới đây chúng ta hy vọng có người đứng đầu như thế và sẽ có một tập thể tiếp tục công việc ấy. Bởi vì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc sống còn của Đảng; là công việc không phải chỉ ngày một ngày hai là xong. Đây không phải là ý muốn cá nhân mà là ý chí, nguyện vọng của Đảng, của cán bộ, của nhân dân.
- Với tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư thì cá nhân ông học hỏi được điều gì, thưa ông?
Cảm nhận nổi bật nhất, không phải chỉ riêng tôi mà ai cũng thấy được, đó là tấm gương đạo đức “hết sức mẫu mực”; một nhà lãnh đạo hết lòng vì Đảng, vì dân, “dĩ công vi thượng”.
Đạo đức của con người có giá trị không phải chỉ riêng cá nhân một người, khi người đó làm lãnh đạo. Nếu trong gia đình, khi bố mẹ, anh chị, giá trị đạo đức sẽ nêu gương trong phạm vi gia đình, nhưng nếu là người đứng đầu một Đảng lãnh đạo thì tấm gương ấy có sức lan tỏa với ý nghĩa lớn vô cùng với đất nước. Ý nghĩa của vấn đề đạo đức lớn lắm. Ngày xưa đã là như thế thì bây giờ càng được xã hội trân trọng và đề cao.
- Xin cảm ơn ông!