Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Được dân ủng hộ thì phải làm tiếp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Được dân ủng hộ thì phải làm tiếp
TP - “Phải làm sao cái lò nóng lên, tất cả vào cuộc, hiện đã có tiến bộ, được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp vì mất lòng dân là mất tất cả. Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ làm trên đầu mạnh hơn bên dưới “, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và cho rằng, các tỉnh phải làm mạnh nếu không sẽ mất uy tín.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Được dân ủng hộ thì phải làm tiếp ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

“Đảng châm lò, nhân dân sẽ bỏ củi tươi, củi khô vào”

Ngày 12/10, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội, thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm - Hà Nội đều bày tỏ hoan nghênh sự quyết liệt của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. “Nhiều người hỏi tôi thấy như thế nào trước việc hàng loạt cán bộ cấp cao đương chức và về hưu bị kỷ luật? Tôi nói vừa đau lòng vừa mừng. Ví dụ như với ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, một cán bộ trẻ và được tin tưởng giao trọng trách như vậy mà bị kỷ luật, rõ ràng là bài học đau xót. Nhưng tôi mừng vì Đảng đã không khoan nhượng khi phát hiện ra vi phạm, khuyết điểm của cán bộ”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, vừa qua, Đảng không chỉ xử lý cán bộ về hưu mà còn xử lý cả những người đương chức như bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Nguyễn Xuân Anh. Điều đó thể hiện sự cương quyết xử lý cán bộ vi phạm của Đảng. Tuy vậy, Tướng Thước cũng bày tỏ sự chưa hài lòng khi vẫn còn tình trạng “Trung ương đấu tranh mạnh nhưng địa phương vẫn chưa chuyển động”. “Vụ biệt phủ của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái, rõ như ban ngày, gây bức xúc dư luận nhưng nhiều tháng rồi vẫn chưa xử lý được. Đừng để những vụ việc như vụ bổ nhiệm thần tốc nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa, như vụ “biệt phủ” Yên Bái nữa, không ai chấp nhận được”, ông Thước nói và cho rằng, ngọn cờ chống tiêu cực đang giương lên, Trung ương đã vào cuộc và địa phương cần phải chuyển động theo.

Cử tri Trần Viết Hoàn (Ba Đình) đánh giá cao khi các cơ quan chức năng đã xử lý, bắt được Trịnh Xuân Thanh; tuyên án Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm; bắt Trầm Bê, kỷ luật Nguyễn Xuân Anh. “Điều này làm phấn chấn, yên lòng dân và cho thấy Đảng ta ngày càng khỏe hơn. Đảng, cấp cao cứ châm lò, nhân dân sẽ bỏ củi khô, củi tươi vào”, ông Hoàn nói.

Tuy nhiên, ông Hoàn cũng bày tỏ sự băn khoăn khi kết quả xử lý một số vụ việc vẫn còn nhẹ. “Thực tế, người ăn cắp chiếc xe máy khoảng vài triệu đồng thì phải ra tòa, bị ngồi tù; 2 cháu bé “đói quá” ăn cắp hai cái bánh mỳ 45 nghìn đồng cũng bị xử lý. Thế mà có những ông quan gây lãng phí hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ cảnh cáo, khiến trách”, ông Hoàn nói. “Nhân dân cảm ơn người đứng đầu của Đảng đã châm lên ngọn lửa cho lò bốc cháy, giúp mọi người bỏ củi khô, củi tươi vào lò thiêu giặc nội xâm”, cử tri Trần Viết Hoàn nói. Còn cử tri Nguyễn Văn Dũng (Ba Đình) thì mong muốn “lò phải nóng rực hơn nữa, để không những củi tươi mà sắt thép vào cũng phải cháy”.

Tổng Bí thư yêu cầu các địa phương vào cuộc mạnh hơn

Chia sẻ với cử tri các quận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vấn đề phòng chống tham nhũng luôn được quan tâm. Tuy nhiên, việc xử lý đòi hỏi phải có thời gian. “Có vụ án mấy năm giời không xử được vì liên quan đến nhiều thứ khác. Nhiều vụ làm nhanh lắm, nhưng cũng có những vụ phải làm sao cho tâm phục khẩu phục, chứng cứ rành rành không thể chối được nữa thì mới nhận tội. Thông thường anh nào cũng kêu oan, anh nào cũng kêu nặng quá, nhưng dân thì bảo vẫn còn nhẹ, phải làm mạnh, làm quyết liệt hơn nữa”, Tổng Bí thư nói.

Dẫn chứng thêm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, những vụ việc được xử lý trong thời gian qua, cuối cùng tất cả đều tâm phục, khẩu phục. “Thậm chí, người bị kỷ luật còn cảm ơn: Các đồng chí thi hành kỷ luật tôi rất đúng”, Tổng Bí thư cho hay.

Theo Tổng Bí thư, khi xử lý các vụ việc phải xem xét toàn diện và phải xem xu hướng vận động phát triển nhìn về tương lai, chứ không phải “đánh cho một đòn chết tươi, dập cho người ta không ngóc đầu dậy được”. “Việc xử lý cán bộ cốt để sửa, cốt để tiến bộ, để trưởng thành. Tốt nhất là nhìn ra và tự giác mà sửa đi”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng cho rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn phức tạp, gian nan. “Đấu tranh là để giữ ổn định, phát triển; đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ. Đúng như các bác nói xử lý không phải cứ tử hình thật nặng là tốt, cái chính là làm sao cho người ta giác ngộ, thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Để tất cả mọi người không đi theo vết xe đổ ấy. Thế mới là thành công”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, trước đây khi nói đến xử lý cán bộ, mọi người cứ thấy “đánh từ vai đánh xuống, giờ toàn làm trên đầu mạnh hơn bên dưới”. “Giờ các tỉnh, các địa phương cũng phải làm mạnh lên. Nếu dưới không làm thì bên trên sẽ làm nhưng như thế thì cấp dưới sẽ bị mất uy tín. Phải làm sao cái lò nóng lên, tất cả vào cuộc. Đã có tiến bộ thì phải làm tiếp, được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp, chứ mất lòng dân là mất tất cả. Thế thì tất cả mọi người phải chuyển động vì đất nước này”, Tổng Bí thư nói và cho biết thêm, việc Hội nghị Trung ương vừa qua bầu bổ sung hai nhân sự vào Ban bí thư, ông khẳng định Trung ương đã thống nhất cao và “không có chuyện vận động, chạy chọt”.

Đề cập đến việc kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng, Tổng Bí thư nói: “Không vì tổ chức APEC ở địa phương này mà không xử lý, nhưng xử rồi phải ổn định để phát triển. Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt để đón khách vì Tổng thống nhiều nước như Mỹ, Nga, Ấn Độ... đã hứa sang tham dự”.

“Giờ các tỉnh, các địa phương cũng phải làm mạnh lên. Nếu dưới không làm thì bên trên sẽ làm nhưng như thế thì cấp dưới sẽ bị mất uy tín. Phải làm sao cái lò nóng lên, tất cả vào cuộc. Đã có tiến bộ thì phải làm tiếp, được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp, chứ mất lòng dân là mất tất cả. Thế thì tất cả mọi người phải chuyển động vì đất nước này”.

            Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Yêu cầu cắt trọn cả tầng nhà 8B Lê Trực

Trao đổi với cử tri về xử lý công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, các nhà khoa học đã nhận định việc xử lý phá dỡ một phần các tầng nhà (cắt giật cấp) của tòa nhà 8B Lê Trực không đảm bảo an toàn cho toà nhà. Vì vậy thành phố đang kiến nghị theo hướng vẫn đảm bảo quy định trong giấy phép xây dựng, đảm bảo mật độ xây dựng, yêu cầu cắt trọn cả tầng nhà để đảm bảo an toàn.

MỚI - NÓNG