Bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa 12

Tổng Bí thư: 'Làm nghiêm từ trên xuống dưới'

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TPO - “Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư: 'Làm nghiêm từ trên xuống dưới' ảnh 1 Toàn cảnh bế mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáng 11/10 sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và họp phiên bế mạc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, đánh giá cao việc chuẩn bị và thống nhất cao với đề nghị của Bộ Chính trị về việc bầu bổ sung 2 Ủy viên Ban Bí thư Khóa XII.

Theo đó, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã trúng cử với số phiếu rất tập trung.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu các đồng chí mới được bổ sung vào Ban Bí thư cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trên lĩnh vực công tác quan trọng được Đảng phân công.

Tổng Bí thư: 'Làm nghiêm từ trên xuống dưới' ảnh 2 Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc kỷ luật đồng chí Nguyễn Xuân Anh là bài học đau xót, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm

Về việc xử lý ông Nguyễn Xuân Anh, Tổng Bí thư cho hay, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII vì đã có những khuyêt điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa)".

“Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu quý trọng của nhân dân”, Tổng Bí thư khẳng định.

Kết thúc hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo

Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư: 'Làm nghiêm từ trên xuống dưới' ảnh 3 Hội nghị Trung ương 6 bế mạc sau 7 ngày làm việc

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền họp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương.

Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm…"

Tổng Bí thư nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn. Ví dụ như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền họp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương".

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.