Cán bộ lộng quyền sẽ vô cùng nguy hiểm

Cán bộ lộng quyền sẽ vô cùng nguy hiểm
TP - “Chủ trương lựa chọn cán bộ trẻ là hoàn toàn đúng, nhưng lựa chọn cán bộ trẻ như thế nào thì phải hết sức thận trọng. Những cán bộ trẻ được lựa chọn ấy phải là những người xứng đáng, phải đủ tâm, đủ tầm, đủ đức, đủ tài để gánh vác được trọng trách”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với PV Tiền Phong về công tác cán bộ.
Cán bộ lộng quyền sẽ vô cùng nguy hiểm ảnh 1

Ông Lê Như Tiến.

Lựa chọn cán bộ trẻ đủ tâm, đủ tầm

Ông đánh giá gì về kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng như quyết định cho thôi chức Bí thư Đà Nẵng, thôi Ủy viên Trung ương đối với ông Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua?

Trước hết tôi đánh giá cao và cũng đồng tình với thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Không phải tôi mà các cử tri, các bậc lão thành và dư luận xã hội cũng đánh giá rất cao về quyết định vừa qua của Trung ương trong việc cách chức Bí thư Đà Nẵng, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng của ông Nguyễn Xuân Anh. Đúng là mất một cán bộ thì rất đau, nhưng cái quan trọng hơn sau quyết định đó để lại cho chúng ta những bài học gì.

Vậy theo ông bài học gì cần phải rút ra sau quyết định này cũng như nhiều trường hợp trước đó?

Trước tiên đó là bài học về công tác cán bộ. Chúng ta phải tuyển chọn người rất kỹ trong một thời gian rất dài. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, do vậy, mỗi cán bộ muốn lên chức vụ cao nhất của một cơ quan trung ương, hoặc địa phương thì phải trải qua nhiều bước, nhiều tầng. Cán bộ cần phải được luân chuyển về địa phương để hiểu biết, gắn bó với nhân dân và có tầm nhìn sâu rộng cũng như hiểu biết hơn về tình hình kinh tế xã hội.

Qua đó để thấy công tác cán bộ cần phải hết sức cẩn trọng. Muốn đưa một cán bộ lên vị trí cao như thế phải qua thử thách từng bước, từ đó đánh giá xem cán bộ này có đủ phẩm chất năng lực không, có đủ bản lĩnh trí tuệ điều hành một đơn vị hành chính cấp thành phố lớn như vậy không. Còn trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh và một số trường hợp khác, tôi cảm giác và nhiều người dân cũng nói, có vẻ như “đẻ non chín ép”, không đảm đương được cương vị lớn như vậy.

Từ sự việc của ông Nguyễn Xuân Anh và nhiều trường hợp phải xử lý vừa qua, vấn đề kiểm soát quyền lực đang được đặt ra thế nào, thưa ông?

Đó chính là bài học thứ hai, rất quan trọng trong công tác cán bộ. Vấn đề ở chỗ, không phải để cho anh ta tự kiểm soát quyền lực mà phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài. Nếu không kiểm soát quyền lực thì những người đứng đầu, người có chức quyền của một cơ quan, đơn vị, hay một địa phương rất dễ lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền và dẫn đến độc quyền, như thế thì nguy hiểm vô cùng.

Chúng ta đã có cơ chế kiểm soát quyền lực, ở địa phương thì có cả một tập thể cấp ủy, thường vụ, có Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, trên nữa có Ủy ban Kiểm tra T.Ư, rồi còn chịu sự kiểm soát của HĐND, MTTQ, các tổ chức xã hội của địa phương… Thế nhưng, tôi có cảm giác trong thời gian qua, các cơ quan địa phương đó hình như “đóng băng”, để cho một cá nhân bí thư, chủ tịch UBND lũng đoạn, toàn quyền. Đây cũng là bài học lớn cần rút ra.

Còn đối với những cán bộ trẻ, cần phải làm gì để họ đảm đương được những trọng trách lớn lao khi được giao phó?

Chủ trương lựa chọn cán bộ trẻ là hoàn toàn đúng, nhưng lựa chọn cán bộ trẻ như thế nào thì phải hết sức thận trọng. Những cán bộ trẻ được lựa chọn ấy phải là những người xứng đáng, phải đủ tâm, đủ tầm, đủ đức, đủ tài để gánh vác được trọng trách. Nếu để Xuân Anh ở cương vị thấp hơn, rồi kiểm tra, theo dõi, đánh giá xem hiệu quả công việc của anh ta thế nào, rồi từ từ đưa lên cấp cao hơn sẽ thuận lợi hơn.

Đặc biệt đối với những người trẻ tuổi trong một gia đình truyền thống, có người giữ cương vị lớn của đất nước, càng cần phải rèn luyện, tu dưỡng, khiêm tốn học hỏi người đi trước. Bởi các bậc lão thành chính là kho kinh nghiệm để lại cho mình. Khiêm tốn bao nhiêu cũng là thiếu, tự kiêu một chút đã là thừa, điều này không bao giờ sai cả. Đó là bài học của cán bộ trẻ, cán bộ “con dòng cháu giống” phải phát huy truyền thống của gia đình, nếu làm những điều sai trái sẽ làm xấu đi hình ảnh cha ông mình.

Cán bộ lộng quyền sẽ vô cùng nguy hiểm ảnh 2

Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (bìa phải) được kỳ vọng phát huy được trí tuệ tập thể, vai trò của các bậc lão thành, những người luôn đau đáu vì một thành phố đáng sống. Ảnh: VNN.

Kỳ vọng tân bí thư

Đà Nẵng là một thành phố trẻ, năng động, nhưng cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ. Theo ông đâu là khó khăn lớn nhất cần giải quyết, khắc phục và ông đặt kỳ vọng gì vào tân bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa?

Tôi cũng rất biết ông Trương Quang Nghĩa, người đã kinh qua nhiều cương vị. Ông Nghĩa cũng là người có một gia đình truyền thống. Nhưng truyền thống gia đình chỉ là một yếu tố, quan trọng nhất vẫn là tự vươn lên, tự phấn đấu.

Qua theo dõi trong dư luận, qua sự phấn đấu của ông Nghĩa, tôi thấy ông ấy có tư cách, phẩm chất và có trách nhiệm rất cao đối với công việc. Đồng thời lại có thuận lợi hơn khi ông Nghĩa là người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi về Đà Nẵng, ông Nghĩa cần phát huy được trí tuệ tập thể, vai trò của các bậc lão thành, những người luôn đau đáu vì một thành phố đáng sống, thành phố phát triển.

Tôi cũng kỳ vọng ông Nghĩa sẽ khắc phục được những yếu kém trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, phát huy truyền thống của lãnh đạo Đà Nẵng trong những nhiệm kỳ trước. Với tình yêu quê hương, với chất lính trong người, nếu quy tụ được cán bộ, phát huy được sức mạnh của nhân dân, tôi tin tưởng ông Nghĩa sẽ làm tốt vai trò, cũng như vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.

Trước mắt với sự kiện APEC, tôi tin ông Nghĩa sẽ chỉ đạo tốt, vì sự kiện lớn này không chỉ của Đà Nẵng, mà còn của cả nước. Các bộ, ngành, địa phương tập trung vào APEC và đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Đây vừa là dấu ấn, cũng vừa là thuốc thử đầu tiên của ông Nghĩa trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Còn đối với vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Quy trình này đã được luật định rõ. Khi đưa ra một bộ trưởng mới thay thế, bổ nhiệm, hay bãi nhiệm thì Thủ tướng Chính phủ phải có tờ trình với Quốc hội về việc giới thiệu người làm bộ trưởng Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ phê chuẩn tờ trình của Thủ tướng Chính phủ.

Với tinh thần không để khoảng trống quyền lực, ông Trương Quang Nghĩa đã chuyển đi làm nhiệm vụ khác, thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải làm tờ trình trong thời gian sớm nhất, để Quốc hội phê duyệt. Việc này nên thực hiện vào kỳ họp gần nhất là kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tới đây.

Trong trường hợp không kiêm nhiệm và có sự thay thế, ông kỳ vọng gì vào vị tân bộ trưởng Bộ GTVT, người kế nhiệm ông Trương Quang Nghĩa tới đây?

Sau khi tiếp thu được “gia tài” của Bộ GTVT, vốn rất đồ sộ với nhiều thành tựu, nhưng cũng nhiều thách thức, tôi hy vọng tân bộ trưởng GTVT sẽ phát huy được những thành tựu, hạn chế khắc phục yếu kém vừa qua. Để từ đó làm sao đưa ngành GTVT phát triển xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân.

Lĩnh vực GTVT chính là điểm nhấn trong sự phát triển KTXH của đất nước. Đồng thời cũng là điểm nút, mà nút này có thông thì mới thoáng được, còn nếu tắc thì mọi sự phát triển KTXH cũng sẽ tắc. Cho nên, tân bộ trưởng phải phát huy, đồng thời học hỏi, rút kinh nghiệm của các bậc tiền nhiệm để thực hiện tốt trọng trách được giao.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG