Tránh tình trạng cục bộ, khép kín
Ban Tổ chức T.Ư vừa công bố kết quả thi tuyển chức danh vụ trưởng Ba vụ trưởng trúng cử qua thi tuyển là: Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng và Vụ trưởng Vụ Địa phương 3 tại TPHCM. Theo ông Dương Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ban Tổ chức T.Ư, trước đây bổ nhiệm cán bộ theo quy trình thông thường là phải lấy phiếu tín nhiệm nơi công tác. Căn cứ vào đó rồi mới làm các bước và quy trình tiếp theo.
“Từ nay trở đi sẽ không bổ nhiệm cán bộ bằng lấy phiếu tín nhiệm nữa mà sẽ tổ chức thi tuyển. Người thi tuyển sẽ thực hiện theo quy chế về thi tuyển mà Ban Tổ chức đã ban hành”, ông Đức cho biết. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công khai, minh bạch, lựa chọn được những người có đủ năng lực, tháng 5/2017, Ban Tổ chức T.Ư đã ban hành Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại các vụ, đơn vị với các quy định hết sức cụ thể. Các kế hoạch thi tuyển cũng được công khai, minh bạch rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Ban Tổ chức T.Ư, việc thi tuyển để có thêm căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Theo ông Đức, việc thi tuyển sẽ thực hiện theo quy chế thi tuyển, còn hồ sơ bổ nhiệm cán bộ vẫn phải đầy đủ theo quy định như lý lịch, sức khỏe, kê khai tài sản… “Quy trình bổ nhiệm thì vẫn như cũ, chỉ có thay đổi là thay vì lấy phiếu tín nhiệm thì nay sẽ tổ chức thi tuyển. Người được điểm cao nhất là hội đủ điều kiện thì sẽ được bổ nhiệm làm lãnh đạo”, ông Đức cho biết.
Không bổ nhiệm bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm
Đề cập đến nghi ngại, có đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng trong thi tuyển, ông Dương Minh Đức cho hay, hồ sơ xem xét người dự tuyển đủ điều kiện dự thi do lãnh đạo Ban xem xét, sau đó được niêm yết công khai. Các thí sinh được nhận chủ đề, giao nhiệm vụ đúng 1 tháng để nghiên cứu, làm việc, đi khảo sát chuẩn bị cho kỳ thi. Sau khi hoàn thành, các thí sinh sẽ nộp đề án cho tổ giúp việc niêm phong lại, mỗi thí sinh có 1 thùng riêng để đựng đề án. “Cho đến khi Hội đồng thi tuyển họp phiên đầu tiên các đề án này mới được mở ra. Các ứng viên đều phải độc lập ý tưởng với cùng chủ đề: Nếu anh làm vụ trưởng thì anh làm gì”, ông Đức cho biết.
Một yếu tố đảm bảo khách quan nữa được ông Đức nêu ra là ngoài các thành viên trong đơn vị, Ban Tổ chức T.Ư còn mời 4 thành viên bên ngoài: Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia. “Ý kiến của các thành viên hội đồng là hoàn toàn độc lập, không có chuyện rỉ tai nhau, thậm chí luôn luôn tôn trọng các ý kiến từ các thành viên. Khi điểm được công khai ra, xếp hạng thứ tự các ứng viên, thành viên Hội đồng đều có quan điểm rất giống nhau. Điều đó chứng tỏ các ứng viên bộc lộ khả năng tương đối rõ. Điều đó chứng tỏ hội đồng làm việc hết sức khách quan, nghiêm túc”, ông Đức khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Đức, tất cả những người trúng tuyển và được bổ nhiệm đều phải nỗ lực làm tốt công việc, bởi nếu không họ sẵn sàng sẽ bị điều chuyển, thay đổi. Ông Đức cho biết thêm, tới đây có một số cán bộ cấp vụ nghỉ hưu và Ban Tổ chức T.Ư sẽ tổ chức thi tuyển tiếp. “Cứ khi có nhu cầu, có người nghỉ hưu là Ban Tổ chức T.Ư sẽ tổ chức thi tuyển chứ không bổ nhiệm theo cách cũ nữa. Kế hoạch thi tuyển cũng sẽ được thông báo công khai, minh bạch, rõ ràng”, ông Đức nói.
Các chức danh thi tuyển
- Chánh Văn phòng, Phó chánh Văn phòng Ban;
- Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Đề án 165;
- Vụ trưởng, phó vụ trưởng các vụ;
- Cục trưởng, phó cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ;
- Tổng biên tập, phó tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng;
- Trưởng phòng, phó trưởng phòng tại các vụ, đơn vị có tổ chức cấp phòng
(Theo Quy chế thí điểm thi tuyển của Ban Tổ chức T.Ư)