Đồng chí Đỗ Mười:

Tổng Bí thư kiên định, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới

Năm 1989, đồng chí Đỗ Mười đến thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Sơn II, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng làm thuỷ điện
Năm 1989, đồng chí Đỗ Mười đến thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Sơn II, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng làm thuỷ điện
TP - Báo Tiền Phong trân trọng trích đăng bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tựa đề “Đồng chí Đỗ Mười – Nhà lãnh đạo tài năng, Tổng Bí thư kiên định, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới”.

“Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, suốt đời tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đồng chí Đỗ Mười đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động trong Cao trào cách mạng Dân chủ, năm 1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1945, đồng chí vượt ngục thành công, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông và được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.  

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Nam Định; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình;  Khu ủy viên Khu ủy Khu III, phụ trách 2 tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình; Phó Bí thư Liên Khu ủy III kiêm Phó Chủ tịch ủy Ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu III, Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu Tả ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả ngạn Sông Hồng. Đây là những địa bàn chiến lược trọng yếu, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đỗ Mười, quân và dân Quân khu Tả ngạn đã làm thất bại nhiều chiến dịch quân sự của địch, trong đó có trận tập kích vào sân bay Cát Bi, Hải Phòng, đốt cháy hàng chục máy bay địch, góp phần vào thắng lợi của dân tộc.

Sau ngày hòa bình lập lại, đồng chí Đỗ Mười được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, đứng đầu nhiều cơ quan Bộ, ngành và Chính phủ. Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong hơn 20 năm (1965-1986), đồng chí được giao phụ trách nhiều công việc quan trọng: Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; giải toả thủy lôi Cảng Hải Phòng; Trưởng Ban chi viện cho miền Nam; trên các công trường trọng điểm của Nhà nước... nơi nào đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời là đồng chí có mặt.

Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, cả nước thống nhất, cùng với niềm vui khải hoàn dân tộc, là những khó khăn bộn bề sau cuộc chiến. Tiếp đó là hệ quả nặng nề của cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền (tháng 10-1985); những bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, trong chính sách đối ngoại… tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phải sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ của nước ngoài bù đắp một phần cho tiêu dùng. Là một nước nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, nhưng lương thực không đủ ăn, lạm phát trầm trọng, đời sống của nhân dân hết sức khó khăn. Những hạn chế trong cơ chế quản lý kinh tế đã kìm hãm tính năng động, sáng tạo của người dân, cơ sở sản xuất. Nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa; số lượng lớn công nhân thất nghiệp. Hiệu lực quản lý Nhà nước sút kém. Những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội và dòng người di tản ra nước ngoài tiếp tục gia tăng, gây nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, làm xáo động nhân tâm và là cái cớ để các thế lực phản động chống Việt Nam dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”. 

Tình hình đất nước đặt ra cho những người cộng sản Việt Nam phải giải quyết thách thức của lịch sử:  “Đổi mới hay là chết”. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 9 năm 1988 đến tháng 6 năm 1991), đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xây dựng đường lối đổi mới, đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt: Chống lạm phát; Xóa bỏ bao cấp về kinh doanh lương thực, xuất khẩu, chính sách thuế, thay đổi giá và tỷ lệ giá hối đoái, tính lại tiền lương, quy định lãi suất ngân hàng...

 Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Đỗ Mười lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiệm vụ chống lạm phát, tăng cường sản xuất và khai thác mọi nguồn hàng phục vụ tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân; từng bước đổi mới cơ chế kế hoạch hóa, tạo quyền chủ động cho các cơ sở sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, đi dần vào hạch toán kinh doanh, gắn sản xuất với thị trường; điều hòa cung cầu ở tầm vĩ mô. 

Để chống lạm phát, có nhiều ý kiến đưa ra để Chính phủ xem xét, áp dụng. Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán, phải có ba tỷ đôla mới giải quyết được lạm phát. Ba tỷ đôla lúc bấy giờ chúng ta lấy đâu ra? Đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo: Chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích, để tạo ra những tiềm năng mới, đó cũng là tư tưởng của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hội đồng Bộ trưởng đi đến thống nhất mấy vấn đề cần phải tập trung giải quyết và báo cáo Bộ Chính trị:
Trước hết, là đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ. Kết quả làm cho sản xuất bung ra, giải quyết được căn bản vấn đề lương thực.

Hai là, khai thác mọi nguồn hàng trong nước và ngoài nước. Một giải pháp tình thế lúc bấy giờ là, ai ra nước ngoài thì khuyến khích mang hàng về. Nhà nước không đánh thuế. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng về rất nhiều, phần nào đáp ứng được yêu cầu bức thiết trong sinh hoạt của nhân dân. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, để giải quyết tận gốc nạn khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, phải tăng cường vận động nhân dân sản xuất, nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất.

Ba là, để thu hút tiền ở trong dân, Chính phủ chủ trương nâng lãi suất tiết kiệm từ 3% lên 9%, ngang với mức giá của hàng hóa; ai gửi ba tháng thì thêm 3% nữa là 12%. Lúc đầu đồng chí cho làm thí điểm ở Hải Phòng, sau đó nhân rộng ra cả nước. Do có chính sách khuyến khích tiền gửi, nhân dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng, tạo ra nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm ngặt Ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền. Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số: 774% năm 1986, giảm xuống còn hai con số: 34% năm 1989; đến năm 1992 chỉ còn 14%.

Cùng với chống lạm phát, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đề nghị Bộ Chính trị và Trung ương đồng ý chủ trương xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá.... Đó là những vấn đề quan trọng, là cơ sở thực tiễn để Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000). Cương lĩnh của Đảng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” và “làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”. Đó là những quan điểm, đường lối đúng đắn, thể hiện trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó sự đóng góp hết sức quan trọng của đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí đưa ra chủ trương phát triển mạnh mẽ công nghiệp nặng, tiến tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. 

Tháng 6 năm 1991, khi đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng ta cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, sụt giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lúc này tuy đã được cải thiện một bước, nhưng vẫn đầy rẫy những khó khăn. Nền kinh tế vẫn còn mất cân đối về nhiều mặt, phát triển chậm. Ngân sách bội chi lớn; giá cả bấp bênh. Nhiều tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh bị vỡ nợ. Lao động thiếu việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Văn hóa, xã hội nhiều yếu kém, tệ tham nhũng, tiêu cực lan tràn, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền chống phá, ảnh hưởng bất lợi đến nước ta.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị, kiên định lập trường tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiên quyết đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chủ động gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế. 

Thực hiện trọng trách cao cả đó, từ ngày 5 đến 10-11-1991, nhận lời mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta sang thăm chính thức Trung Quốc. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung khẳng định: “Cuộc gặp cấp cao Việt - Trung đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ Việt Nam và Trung Quốc phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước và có lợi cho hoà bình và sự phát triển của khu vực”. Đây là thành tựu ngoại giao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nước ta kể từ khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới”...

*Tựa đề do tòa soạn đặt

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.