Lập trường Ấn Độ về vấn đề biển Đông:

Tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý

Tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý
TP - Hội kiến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee chiều 10/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” và sự gia tăng hiện diện, kết nối của Ấn Độ với Đông Nam Á; ủng hộ Ấn Độ có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới. 

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee nhắc lại lập trường của Ấn Độ về vấn đề biển Đông, không quân sự hóa, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ấn Độ cũng phản đối bất cứ nước nào sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề biển Đông, làm cản trở an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Trước đó, các nhà lãnh đạo khác của Ấn Độ cũng nhắc lại lập trường của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển…

Trưa 11/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm thành phố Bodh Gaya, bang Bihar. Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Ấn Độ và lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh Các nữ chủ tịch quốc hội thế giới lần thứ 11 tại Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) từ ngày 11 tới 13/12, theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury và Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên bang UAE Amal Al Qubaisi.

Nhân kết thúc chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nói với báo giới: “Triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư (giữa Việt Nam và Ấn Độ) còn rất lớn, cần đẩy mạnh hơn nữa để tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp”. Dự kiến, Ấn Độ trở thành một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam sau khi tập đoàn TATA của Ấn Độ triển khai dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú II trị giá 2 tỷ USD tại Sóc Trăng. Hai nước đang hợp tác hiệu quả trong liên danh khai thác một số lô dầu khí tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, và đang tích cực hợp tác thăm dò thêm các lô dầu mới ở Việt Nam cũng như tại nước thứ ba. Hợp tác quốc phòng - an ninh là một trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hoá. Du lịch, giao lưu nhân dân ngày càng sôi động. “Việc mở đường bay thẳng giữa Hà Nội, TPHCM và Delhi từ tháng 7/2017 sẽ là một động lực thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước”, ông Ngọc nói.

MỚI - NÓNG