Tôi vẫn chờ GS Ngô Bảo Châu đổi ý

Tôi vẫn chờ GS Ngô Bảo Châu đổi ý
Mặc dù GS Ngô Bảo Châu đã chính thức từ chối nhận căn biệt thự trị giá 3 triệu USD, nhưng “chúa đảo” Tuần Châu, ông Đào Hồng Tuyển vẫn hy vọng GS Châu sẽ thay đổi ý định, có thể dùng căn biệt thự đấu giá và sử dụng số tiền đó cho quỹ khuyến học Ngô Bảo Châu.

"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển:

Tôi vẫn chờ GS Ngô Bảo Châu đổi ý

- Ông có thể chia sẻ về mối quan hệ của mình và GS Ngô Bảo Châu - người mà ông sẵn sàng đưa ra đề nghị tặng một biệt thự lớn ở Tuần Châu?

Tôi là một người ái mộ nhân tài, nhất là với những người trẻ tuổi hiếm có ở VN như GS Ngô Bảo Châu. Tôi biết Bảo Châu từ khi anh chưa nhận giải thưởng Fields, thông qua Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Trong cuộc trò chuyện với GS Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, tôi biết nước ta đang có một nhà toán học trẻ tài năng đoạt giải cao của thế giới, nhưng chưa công bố giải chính thức.

Tôi vẫn chờ GS Ngô Bảo Châu đổi ý ảnh 1
"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển muốn tặng GS Ngô Bảo Châu căn biệt thự trị giá 3 triệu USD.

GS Nhung hỏi tôi là khi anh Châu từ ĐH Toán học thế giới 2010 trở về nên đón tiếp thế nào? Tôi trả lời rằng, nên tổ chức một buổi đón tiếp ở cấp Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục&Đào tạo, cho dù GS Châu có nhận được giải thưởng hay không. Thông qua lễ đón tiếp để cổ vũ tinh thần ham học hỏi của giới trẻ đối với nhân vật tài năng như GS Ngô Bảo Châu. Tôi cũng xin tài trợ 1 tỷ đồng cho quỹ khuyến học Ngô Bảo Châu.

Về chuyện tặng biệt thự, tôi đã báo cáo với các đồng chí lãnh đạo trong Chính phủ là muốn tặng một biệt thự trị giá 3 triệu USD cho GS Châu ở Tuần Châu hay Hà Nội cũng được. Tôi hy vọng, quà tặng là nơi GS Châu về nghỉ ngơi và đón tiếp các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới. Thực lòng, món quà xuất phát từ sự ngưỡng mộ của tôi với GS Châu.

Tôi có trao đổi với GS Châu hai lần về mong muốn được tặng biệt thự của mình. Khi đó, GS Châu nói cảm ơn và sẽ xem xét sử dụng món quà như thế nào cho hợp lý. Tối 12 - 8, nhân có cuộc Gala Dinner của vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam gây quỹ từ thiện, tôi ngỏ ý mời GS Châu xuống tham dự, nhân đó, phát động quỹ khuyến học Ngô Bảo Châu.

Tuy nhiên, vì chuẩn bị đi Ấn Độ nên GS Châu không tham gia được và nói lại với tôi, đại ý rằng: “Anh Tuyển cứ đợi em đi Ấn Độ về, hai anh em gặp nhau rồi tính mọi chuyện. Trở về, em sẽ dành một phần tiền thưởng mở quỹ khuyến học Ngô Bảo Châu và nếu anh cùng đồng hành được là một điều tốt đẹp”.

Đó là câu chuyện của ngày 10, 11, 12, đến ngày 13/8 GS Châu ra sân bay có gọi điện lại cho tôi nói cảm ơn tấm lòng vì đã tặng biệt thự, tuy nhiên sau khi suy nghĩ lại, thấy món quà cũng lớn, hơn nữa từ trước đến giờ chưa nhận quà ai bao giờ nên xin trả lại. Riêng về quỹ khuyến học, khi về VN anh em sẽ nói chuyện thêm.

Tôi cũng nói với GS Châu đừng bận tâm chuyện đó, cứ đi Ấn Độ cho thoải mái, khi nào về, sẽ mời toàn thể gia đình xuống Tuần Châu, có dịp gặp gỡ ấm cúng trên du thuyền Paradise Cruises. Còn chuyện nhận biệt thự hay không, hãy cứ chờ GS Châu về nước.

- Thời điểm ông biết GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, ông cảm thấy thế nào, ông có nghĩ đến một “lời đề nghị” nào khác để bày tỏ sự cảm phục GS Châu không?

Cũng giống như mọi người dân Việt Nam khác, tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Còn về lời đề nghị tặng biệt thự, tôi vẫn đợi chờ một sự thay đổi từ phía GS Châu. Nếu GS Châu đấu giá số tài sản đó làm quỹ học bổng cũng là một cách hay.

Tôi vẫn chờ GS Ngô Bảo Châu đổi ý ảnh 2
GS Ngô Bảo Châu trở thành nhân vật được dư luận quan tâm nhất trong những ngày gần đây.

- Một số thông tin nói rằng nếu GS Châu đồng ý về nước làm việc thì mức lương tối đa của GS cũng chỉ là khoảng 5 triệu đồng. Ông nghĩ sao về mức lương này và ông có dự định, nếu GS Châu về làm việc sẽ “tài trợ” một phần kinh phí để GS Châu có được những điều kiện làm việc tốt nhất?

Đây là vấn đề của Chính phủ. Còn theo suy nghĩ của cá nhân tôi, nếu điều kiện làm việc ở Việt Nam thiếu thốn, tài năng của GS Châu không thể phát huy hết, nên để GS làm việc ở nước ngoài và dành quỹ thời gian cần thiết cho Việt Nam. GS Châu là người Việt, cậu ấy biết cần phải tri ân với đất nước như thế nào. Tôi tin vào đạo đức, tình cảm của GS Châu.

Đó là vấn đề điều kiện làm việc, còn bàn về cuộc sống “cơm áo gạo tiền”, thì ý kiến chủ quan của tôi thế này: Nước ta đúng là còn nghèo, ngân sách còn eo hẹp, nhưng Chính phủ và nhân dân không bao giờ để GS Châu phải thiếu thốn trong cuộc sống. Nếu cả dân tộc cùng lo lắng, chăm sóc cho người tài năng kiệt xuất, tôi tin không có gì là khó khăn cả.

- Ông là một doanh nhân thành đạt có tiếng trong cả nước, ông nghĩ các doanh nghiệp, doanh nhân nên đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp thu hút, gìn giữ người tài cho đất nước?

GS Ngô Bảo Châu đã mang lại niềm tự hào cho cả đất nước, dĩ nhiên không ngoại trừ các doanh nghiệp như chúng tôi. Tất cả nhân dân Việt Nam luôn mong muốn, nền toán học khởi sắc đi lên, và có những Ngô Bảo Châu khác nữa.

Tại sao ngay từ lúc này chúng ta không chung tay thành lập một quỹ dành cho nhân tài đất nước? Theo tôi, quỹ nên do một tổ chức khoa học uy tín nào đó đứng ra cầm trịch. Với hình ảnh Ngô Bảo Châu, tôi nghĩ giới doanh nhân chúng tôi không hề ngại ngần chung tay đóng góp. Vả lại, với bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể đóng góp, không bằng tiền thì bằng tâm.

- Đảo Tuần Châu đã nổi tiếng là một trong những thiên đường du lịch ở VN, ông nghĩ sao về ý tưởng dành một khu vực đất đai nào đó đầu tư đào tạo phát triển những trí thức có tài cho đất nước?

Hiện nay, đảo Tuần Châu đang tiến hành xây dựng một hệ thống giáo dục từ cấp 1, 2, 3 đến trường Quốc tế trên diện tích rộng 30ha. Bạn biết đấy, tôi muốn thực hiện mong ước của Bác Hồ khi còn sống là biến Tuần Châu thành Ngọc Châu - một thành phố trên biển.

Con người, ai cũng chỉ sinh ra và sống trên đời một lần, cứ phải nghĩ mới ra việc, phải bước mới đến đích, phải mạnh mẽ mới dám làm. Vì thế, dù làm bất cứ điều gì, tôi luôn tâm niệm: “Tôi không phải làm cho tôi hưởng lợi mà tôi nghĩ, mình làm vì muốn để lại điều gì đó cho đời”.

Theo Dương Thùy

VTC News

MỚI - NÓNG