Tại buổi tọa đàm “Giải pháp giảm tội phạm trên địa bàn TPHCM” do báo Tuổi trẻ tổ chức sáng cùng ngày, đại tá Thông đưa ra con số thống kê trong năm 2015, đối tượng phạm tội ở độ tuổi từ 18 – 30 chiếm gần 53% trong cơ cấu độ tuổi phạm tội. Đối tượng phạm tội không có nghề nghiệp chiếm gần 63% trong cơ cấu nghề nghiệp.
Nói về nguyên nhân, đại tá Thông cho rằng vai trò gia đình rất quan trọng, bên cạnh đó là công tác quản lý xã hội và môi trường giáo dục. “Hiện nay số lượng thanh thiếu niên tụ tập thức cả đêm ở ngoài đường rồi kéo nhau vào thuê nhà nghỉ, phòng trọ ngủ ngày càng nhiều. Điều này nói lên công tác quản lý con em của gia đình chúng ta như thế nào để xảy ra tình trạng này? Nó cho thấy nhiều gia đình đang buông lỏng quản lý con em mình, đây là một yếu tố dẫn đến phát sinh tội phạm”, đại tá Thông nói.
Một băng nhóm tội phạm còn khá trẻ bị Công an TPHCM triệt phá đầu tháng 4 vừa qua. Ảnh Việt Văn.
Theo thượng tá Vũ Như Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TPHCM, quý I năm 2016 tình hình tội phạm đã kéo giảm trên 15% nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, phát sinh từ những nguyên nhân mới. tác động của thế giới mạng xã hội, internet, công nghệ thông tin; xu hướng trẻ hóa tội phạm tập trung chủ yếu ở độ tuổi 18 – 30, trong đó có những băng nhóm phạm tội vị thành niên; thành phố là “vùng trũng” hút tội phạm từ nơi khác đến hoạt động….
Đặc biệt có những băng nhóm thanh thiếu niên có hành vi khó lượng trước được, thời gian dự mưu cho đến khi diễn ra hành vi phạm tội là rất nhanh.
Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong đời sống cá nhân, có những vụ việc mâu thuẫn rất nhỏ nhưng dễ dàng xảy ra, trong khi trước kia xảy ra mâu thuẫn diễn ra kéo dài, không được giải quyết thì mới phát sinh tội phạm. Những vụ việc này khó phòng ngừa hơn trước.
Theo Trung tá, Tiến sĩ Hoàng Đức Mạnh, Phó trưởng khoa trường ĐH Cảnh sát nhân dân, vấn đề giáo dục con người là bài toán lâu dài để kéo giảm tội phạm một cách căn cơ. Ranh giới giữa người tốt người xấu nằm ở trong một con người. Do đó, phải chấp nhận tội phạm là một hiện tượng trong xã hội, nó sẽ cùng tồn tại với cuộc sống chúng ta. Hiện nay chúng ta ít quan tâm đến động cơ, tình huống, hoàn cảnh nào thúc đẩy họ phạm tội. Nếu quan tâm đến những vấn đề này, chúng ta sẽ phòng ngừa, giáo dục được họ.