Chiều 9/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đề nghị cần lưu tâm đến hành vi lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để phạm tội.
Bà Hòa nhìn nhận, hiện nay vấn đề mua bán trẻ em liên quan rất nhiều đến việc nhận con nuôi (con nuôi quốc tế, con nuôi Việt Nam). Trên thế giới rất chú ý đến tình trạng phạm tội từ việc nhận con nuôi, do đó nước ta cũng nên bổ sung để phù hợp, tương thích với luật pháp quốc tế.
Theo bà Hòa, việc này có biến tướng, thậm chí từ khi đứa trẻ còn trong bào thai đã diễn ra việc mua bán, qua việc đẻ thuê.
Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng |
Về nguyên tắc phòng chống mua bán người, bà Hòa cho rằng, việc phòng ngừa xã hội kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ là rất quan trọng, giúp toàn xã hội nhận thức được các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người, đồng thời giúp người dân nhận thức các dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân cũng như phương thức, thủ đoạn phạm tội.
Bà Lê Thị Yến Như (Phòng 2, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM) nhìn nhận vấn đề quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có vai trò lớn của công tác tuyên truyền pháp luật. Vì vậy, theo bà Như, ở Điều 7 dự thảo luật, cần bổ sung đưa thêm nội dung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, để họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình và phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác điều tra, đấu tranh loại tội phạm này.
Các đại biểu kiến nghị nhiều nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân mua bán người. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho rằng trong luật có quy định về quyền của trẻ em, tuy nhiên với quyền của trẻ em được sinh ra ở nước ngoài trong quá trình mẹ bị mua bán thì không được quy định rõ, do đó cần đưa thêm nội dung này vào luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
“Luật cũng cần quy định cụ thể việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân để đáp ứng nhu cầu của phụ nữ trở về sau khi bị mua bán”, bà Loan nêu thêm.
Trao quyền, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân mua bán người
Quang cảnh buổi thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: Ngô Tùng |
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, ông Trần Nhật Quang nhìn nhận TPHCM trung tâm kinh tế, văn hóa cũng là nơi trung chuyển của loại hình tội phạm mua, bán người.
Ông cho biết, các nạn nhân chủ yếu được tiếp nhận hỗ trợ các thủ tục ban đầu, tư vấn hỗ trợ tâm lý để đưa vào các cơ sở xã hội phục vụ việc xác minh cũng như phối hợp các địa phương và cơ quan chức năng phối hợp thực hiện các công tác hỗ trợ tiếp theo.
Theo ông Quang, cần bổ sung vào khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) việc “hỗ trợ tư vấn tâm lý ban đầu cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền”.
Anh Tô Minh Hiếu, Phó ban Mặt trận, An ninh quốc phòng, Địa bàn dân cư Thành Đoàn TPHCM nhìn nhận, quyền được chăm sóc sức khỏe, điều trị, tư vấn sức khỏe tâm thần đối với nạn nhân là cực kỳ quan trọng trong vấn đề điều trị và sau khi hòa nhập cộng đồng. Do đó, anh kiến nghị điều này vào quyền của nạn nhân trong luật.
Về công tác tuyên truyền, đại diện Thành Đoàn TPHCM cũng góp ý tuyên truyền thêm các hình thức xử phạt, xử lý vi phạm nhằm tăng tính răn đe đối với xã hội trong quá trình thực hiện luật.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng cho biết đơn vị sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như gửi đến cơ quan soạn thảo và các ĐBQH TPHCM để nghiên cứu và tiếp tục tham gia phát biểu trong thảo luận tổ, thảo luận nghị trường trong thời gian tới.