Nói về tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực NH, nhóm tác giả Khuất Duy Tuấn (NHNN), Nguyễn Thị Thu Hương (Viện Đại học Mở), Chu Nguyên Bình (NH Bắc Á) gọi đây là “siêu tội phạm”. Vì chỉ trong tích tắc, loại tội phạm này có thể trộm hàng trăm triệu đồng mà không ai hay biết.
Nhận diện “siêu tội phạm”
Những ngày gần đây, hàng loạt chủ thẻ bị rút trộm tiền trong tài khoản. “Gần 200 triệu đồng của khách hàng trong tài khoản của NH Đông Á bất ngờ bị mất; 500 triệu đồng của Vietcombank bị mất chỉ trong một đêm; 31 triệu đồng cũng bỗng dưng biến mất khỏi tài khoản của ANZ chỉ trong buổi trưa, hay thẻ Visa bị “tiêu” mất vài chục triệu đồng mà không ai hay biết. TS Khuất Duy Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng NHNN thông tin.
Từ năm 2010 - 6/2014, cả nước đã phát hiện 11.476 đầu mối có dấu hiệu phạm pháp liên quan đến công nghệ cao với 3.220 đối tượng. Theo một đánh giá, tội phạm dạng này gây thiệt hại cho cả nước trên 8.700 tỷ đồng.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, tội phạm công nghệ cao rất khó nhận diện, bởi tội phạm có thể ở nước ngoài nhưng vẫn trộm cắp tiền của ngân hàng tại Việt Nam. Cụ thể là tấn công trái phép vào website để lấy cắp tài khoản cá nhân; lấy những thông tin bí mật để làm giả thẻ tín dụng; trộm cắp, mua bán và sử dụng trái phép thẻ ATM; hack SIM…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong hành lang pháp lý đối với tội phạm công nghệ cao. TS Khuất Duy Tuấn cho hay: “Sự khác biệt trong hệ thống pháp luật và hạn chế trong hợp tác quốc tế là “rào cản” khiến tội phạm này tồn tại với quy mô lớn hơn, tinh vi hơn. Hơn nữa, một vụ lừa đảo công nghệ cao có tới hàng trăm người bị hại ở khắp nơi trên thế giới. Theo quy định, cơ quan điều tra phải xác minh, ghi lời khai của ngần ấy người thì vượt quá khả năng”.
Trách nhiệm ba bên
Số liệu từ hãng bảo mật Symantec cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trên thế giới về các hoạt động đe dọa tấn công mạng. Theo Hiệp hội An toàn thông tin số Việt Nam (VNISA), mặc dù chỉ số an toàn thông tin qua các năm được cải thiện nhưng Việt Nam dự kiến vẫn là nước nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao. Dự báo NH số sẽ là tương lai của ngành ngân hàng và đây được coi là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao khai thác ngày càng tinh vi.
Tại Việt Nam hiện mới chỉ có 40 NH thương mại cung cấp dịch vụ internet banking, 16 tổ chức cung cấp hơn 2,3 triệu tài khoản ví điện tử, hơn 200 doanh nghiệp được cấp phép trong lĩnh vực thương mại điện tử. Kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 95% NH triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến (internet banking), mobile banking và 30% NH triển khai ngân hàng số…
Mục tiêu đến năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ (POS) cho phép thanh toán không dùng tiền mặt. 50% hộ cá nhân và gia đình ở các thành phố lớn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, toàn thị trường có trên 300.000 POS được lắp đặt… Sự tiện lợi này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống cơ sở dữ liệu trong tài khoản của chủ thẻ, phổ biến nhất là thủ đoạn lắp đặt thiết bị tại máy ATM/POS để sao chép, trộm cắp dữ liệu… để làm thẻ giả rút tiền.
Theo TS Nguyễn Danh Lương - Phó Tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khi tội phạm mạng tấn công chủ thẻ là khách hàng của NH thì trách nhiệm phải thuộc về ba bên: NH - khách hàng - cơ quan quản lý.
Về phía khách hàng, phải chủ động nâng cao cảnh giác trong việc bảo mật thông tin tài khoản cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, diễn đàn (forum)… hay các tổ chức, doanh nghiệp mà chủ thẻ tham gia.
Khi thanh toán thẻ tại các siêu thị, cửa hàng, người dùng phải luôn giữ thẻ trong tầm mắt; thanh toán trực tuyến phải lựa chọn các trang mạng uy tín; sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư trong tài khoản qua điện thoại di động (SMS); thường xuyên kiểm tra máy tính, thiết bị điện tử thông minh xem có bị nhiễm độc không; không mở những tập tin từ người lạ gửi…