Tôi ơi, đừng tuyệt vọng kỳ II: Tài Nam - Cổ tích có thật

Anh Ksor Bop hướng dẫn Tài Nam tập gym
Anh Ksor Bop hướng dẫn Tài Nam tập gym
TP - Nguyễn Tài Nam (nhân vật đã nêu kỳ trước) trải qua hàng trăm cuộc phẫu thuật cắt bớt các khối u trên khắp cơ thể, xạ trị khối u trong não. Từng rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh rồi lại được những người hào hiệp cứu sống, khi đó tai gần điếc, mắt mờ, đi đứng khó khăn nhưng Tài Nam vẫn tích cực trả ơn đời bằng cách truyền lửa sống cho giới trẻ.

Làm quen thời @

Giữa tháng 4/2019, Facebook Messenger của tôi hiện lên những chuỗi tin nhắn dài, thiếu dấu. Chắp nối các câu hỏi đáp, tôi hiểu ra nguyện vọng “muốn được truyền thông điệp sống giúp đỡ mọi người cho các bạn trẻ” của một thanh niên chung sống với căn bệnh u sợi thần kinh. Đó là Nguyễn Tài Nam, sinh năm 1990, nhà ở xã Ea Kao ngoại thành Buôn Ma Thuột.

 Qua tin nhắn, Nam kể từ khi mới lên 8 tuổi đã phát hiện những khối u nổi trên tay mình như mối làm tổ. Lên lớp 6, Nam phải vào bệnh viện Nhi Đồng I để phẫu thuật cắt khối u mi mắt và trên đầu. Nam cố gắng học đến lớp 8 rồi đành phải nghỉ vì tai điếc không nghe được nữa. Các bác sĩ chẩn đoán các u sợi thần kinh đã di căn từ não xuống tay chân, mạng sống của Nam như ngọn nến trước gió.

Cha mẹ Nam là nông dân nghèo vẫn quyết cứu con trai tới cùng. Không đếm hết số lần phẫu thuật, cơ thể Nam đã chi chít vết sẹo vẫn không ngừng lộ thêm những khối u mới. Ban đầu Nam giao tiếp bằng giấy bút. Sau đó tay yếu không cầm bút được nữa, Nam dò chữ nhấn phím trên màn hình điện thoại. Anh xin cha mẹ cho mình được hiến xác khi qua đời, để y học có mẫu vật nghiên cứu thấu đáo hơn về căn bệnh quái ác này, hy vọng giúp bệnh nhân khác có cơ hội được cứu.

Để chặn đà teo tóp của cơ thể dẫn đến nguy cơ bại liệt tứ chi, Nam vào internet tìm hiểu về các bộ môn Thiền, Yoga, Khí công... Đầu tiên Nam xin mẹ cho đi tập gym ở điểm gần nhất, cách nhà hơn 2km. Tại đó, chủ phòng tập là nhà vô địch cử tạ Ksor Bop quý mến chàng trai ốm yếu có nghị lực phi thường, anh động viên Nam thường xuyên đến tập miễn phí. Kế đến, Nam gặp được hai cô giáo dạy Thiền và Yoga là Ánh Hồng và Phượng Yến. Sau một thời gian được 2 cô rèn dạy tận tình, thể lực Nam tốt hẳn lên.

Nam nhắn cho tôi link Youtube chương trình “Hát mãi ước mơ” tập 3 mùa 2 đã phát tháng 3/2018 trên kênh HTV7, trong đó giọng ca đầy cảm xúc và nội lực của Phượng Yến- cô giáo đã học xong Cao đẳng Thanh nhạc nhưng lại dạy Yoga lần đầu lên sóng truyền hình đã ẵm trọn giải nhất 50 triệu đồng. Toàn bộ khoản tiền thưởng này Phượng Yến tặng lại Tài Nam, muốn Nam mua được loại máy trợ thính tốt nhất và tiếp tục trị bệnh.

Nam cho tôi biết anh không đeo máy trợ thính được vì bác sĩ bảo máy sẽ tác động xấu tới khối u ở não. Tuy nhiên tâm lý anh bình ổn với ý nghĩ sẽ sống đẹp mỗi ngày. “Từ hồi nhỏ em đã phải chứng kiến cha mẹ nhiều lần khóc vì không có tiền đưa con đi chữa bệnh. Xã Ea Kao nơi gia đình em sống có rất nhiều hộ dân nghèo khổ. Mỗi khi được gọi ra xã nhận quà cứu trợ, em đều nung nấu quyết tâm sau này mình phải cứu giúp những phận đời khốn khó, sẽ làm từ thiện tới ngày... trút hơi thở cuối cùng mới thôi”- Nam chia sẻ.

Lòng tốt lan truyền

Hai mươi sáu tuổi, mày mò tự học đủ thứ từ chiếc điện thoại thông minh, Nguyễn Tài Nam trưởng nhóm thiện nguyện Ea Kao đã liên kết được cả nghìn tấm lòng vàng xa gần, cứu người, giúp đời theo cách của riêng anh. Khó ai hình dung được chàng thanh niên gầy mỏng như chiếc lá, đi đứng liêu xiêu này mấy năm qua đã tổ chức kêu gọi, vận động quyên góp, giúp đỡ được hàng trăm trường hợp cùng khổ ở nhiều tỉnh thành, đã trao tặng hàng tỷ đồng, hàng nghìn suất quà, góp phần cứu mạng nhiều bệnh nhân thiếu tiền, thiếu máu.

Một chiều cuối tuần, tôi nhờ hai cô Ánh Hồng, Phượng Yến cùng đi, dẫn đường cho tôi tìm đến phòng tập gym của anh Ksor Bop và nhà Tài Nam. Đường xa vòng vèo đủ để Hồng và Yến kể cho tôi nghe cơ duyên kết nối những con người giàu lòng trắc ẩn. Tại phòng tập 103 Y Wang, Bop cặn kẽ hướng dẫn Nam tập cho đúng từng động tác xong mới quay ra cười hiền, nói với tôi: “Thằng nhỏ ý chí cao lắm! Khi mới tới, nó ngồi không vững, bây giờ tự chạy được xe máy rồi. Vợ chồng mình không lấy tiền, dặn em nó phải đến tập thường xuyên cho khỏe thì mới đủ sức cứu người khác”.  

Sân nhà tút hút trong ngõ sâu sau hồ Ea Kao gắn số 121 tổ 6 thôn 2 của gia đình Nam chất đầy những mớ rau quả mà mẹ Nam vừa hái và mua về, chuẩn bị đóng hàng gửi đi. Ông Nguyễn Tài Vàng 56 tuổi và bà Nguyễn Thị Lý 55 tuổi đon đả mời khách vào nhà. Trên vách đầy bằng khen các cấp tuyên dương Nguyễn Tài Nam về thành tích thiện nguyện. Hai em của Nam đều đã kết hôn.

Bà Lý kể: Khi Nam mới phát bệnh, bà đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng I, các bác sĩ cứ hỏi trên đó dùng nguồn nước gì, bố có bị nhiễm chất độc da cam không? Nhiều đêm mưa nhà dột ướt, không chỗ nào khô ráo để ngủ, mẹ ôm con thấy khối u cứ nổi lên khắp người. Bướu lấp cả mắt, phải mổ cắt cả trăm lần. Có tháng tới 4 lần phẫu thuật. Năm 25 tuổi Nam ốm liệt giường, cha mẹ lại gom tiền đưa con xuống TPHCM bắn tia lade hủy khối u trong não. Trở về, Nam lên mạng tìm thông tin về phục hồi chức năng, quen được nhiều người như các cô Hồng - Yến. “Có các cô giúp đỡ, cháu sống vui và hoạt bát hẳn lên, làm từ thiện giúp được nhiều người, gia đình tôi mừng lắm”-ông Vàng cảm kích nói.

Lòng tốt cứ thế lan truyền. Một nhà hảo tâm theo dõi hành trình thiện nguyện của Tài Nam đã liên lạc. Tháng 2/2018 ông đón mẹ con Nam ra Hà Nội, nhờ các chuyên gia hàng đầu tại bệnh viện Việt Đức thăm khám, tài trợ toàn bộ cuộc đại phẫu và chi phí chuyến đi gần 1 tháng cho mẹ con Nam. Khi trở về, sức khỏe tốt hơn, đầu Nam hằn thêm mấy vệt sẹo và tim Nam lại nở rộ tình yêu người, yêu cuộc sống.  

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng kỳ II: Tài Nam - Cổ tích có thật ảnh 1 Nam đi tặng quà cho dân nghèo vùng sâu

Facebook của Nam hiếm chỗ cho nỗi buồn. Hầu hết là các status vận động giúp đỡ những trường hợp ngặt nghèo như nhà cháy, chết không có hòm chôn, kêu gọi khẩn cấp hiến máu cứu mạng, tổ chức đi tặng quà cho hộ nghèo vùng sâu. Anh gieo hạt từ bi: “Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp rất nhiều người cần tới sự giúp đỡ của người khác. Đừng ngần ngại mở lòng mình ra giúp đỡ họ khi bạn có thể làm được, bởi sẽ đến lúc chính bạn là người cần giúp đỡ”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.