Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều đã có ý kiến chỉ đạo. Sáng qua 31/3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Vụ Học sinh Sinh viên đã về Hưng Yên chủ trì cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng. Bộ trưởng Nhạ nhận định, đây là “vụ rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm”. Ông Nhạ đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xử nghiêm và ngay lập tức, đồng thời đề nghị các Chủ tịch tỉnh trên toàn quốc cũng phải vào cuộc, bởi bạo lực học đường không chỉ xảy ra riêng ở Hưng Yên.
Ngay tại buổi làm việc, ông Phóng đã yêu cầu UBND huyện Ân Thi “xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ”. Giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn “vì không nắm được tâm tư của học sinh”. “Công an sẽ xem xét sai phạm của các học sinh này”, ông Phóng nói.
Dư luận không những bất bình mà còn ngỡ ngàng, bởi mới chỉ ở độ tuổi 15 mà không hiểu sao các nữ sinh này lại có thể hành hung và làm nhục bạn cùng lớp theo cách dã man và vô nhân tính đến vậy! Đáng buồn và đáng lo hơn, hành động đó xảy ra ngay trước mắt các bạn học sinh khác nhưng tuyệt nhiên không thấy ai can ngăn hay có hành động phản kháng.
Câu hỏi đặt ra, những học sinh đánh bạn và cả những học sinh thản nhiên đứng xem rồi quay clip này, các em đã được dạy và học những gì trong suốt 9 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông? Vì sao, mới ở lứa tuổi thiếu nữ, lẽ ra phải trong trắng và rất đẹp kia, các em lại có thể hung hãn, độc ác và vô cảm với đồng loại đến vậy?
Rõ ràng, vấn nạn bạo lực học đường đã đến hồi báo động, không thể xem thường. Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh trong các trường học trên toàn quốc cần phải được đặc biệt chú trọng. Lâu nay, liệu có phải chúng ta đã quá thiên về dạy chữ mà có phần xem nhẹ việc dạy làm NGƯỜI, dạy học sinh để trở thành công dân tốt, có ứng xử văn minh, trách nhiệm trong xã hội?
Liệu vai trò và vị trí của môn Giáo dục công dân trong các bậc học phổ thông đã được nhìn nhận một cách đúng tầm như lẽ ra nó phải có? Liệu đội ngũ hiệu trưởng các trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên toàn quốc đã thực sự đảm bảo chất lượng tương xứng với yêu cầu chuyên môn và đòi hỏi của xã hội?
Vẫn biết, “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”, nhà trường không thể là một “ốc đảo”, không thể không chịu ảnh hưởng từ những tiêu cực ngoài xã hội. Tuy nhiên, trước nguy cơ về sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay, cần khẩn cấp coi trọng và đề cao sứ mạng dạy làm NGƯỜI trong ngành giáo dục bằng những chính sách, nội dung thật cụ thể, ngay lập tức, ở mọi cấp học.