Tất nhiên đây mới là thông tin ban đầu được báo chí đăng tải mấy ngày qua, còn đợi cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng việc cả một đoàn thanh tra 6 người, trong đó có tới 5 nữ, do một nữ thanh tra làm trưởng đoàn cùng lúc bị công an địa phương tạm giữ về hành vi “vòi tiền”, thì có lẽ đã là một kỷ lục đau lòng. Đặc biệt với một đoàn thanh tra cấp Bộ khi về làm việc tại địa phương.
Mà cũng đâu phải cá biệt, khi tháng 4 mới đây, toàn bộ đoàn thanh tra 5 người của tỉnh Thanh Hóa bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp. Chánh thanh tra Bộ TT&TT cũng mới bị bắt vì hành vi bao che vụ “đánh bạc nghìn tỷ”...
Một doanh nghiệp ở TP HCM vừa kêu trời vì phải tiếp đến…138 đoàn thanh tra. Từ quận, tới phường, tới các cơ quan chức năng, cũng thuộc cấp quận. Tất nhiên “có lửa mới có khói”, nhưng “khói” mịt mù kiểu ấy không chết ngạt mới lạ. Và điều đáng nói hơn cả, là hiệu quả của hàng trăm đợt thanh tra, kiểm tra ấy là gì? Tại sao phải huy động một lực lượng (ăn lương nhà nước) dày đặc đến như vậy để “làm rõ sai phạm” của một doanh nghiệp, nếu có?! Để rồi đến giờ cũng chưa thấy “sai phạm” nào được chỉ ra, những vướng mắc giữa doanh nghiệp và dân cũng chưa được giải quyết.
Từ hơn 200 năm trước, viên “quan thanh tra” nổi tiếng Khlestakov đã khiến quan chức thị trấn nọ phải xanh mắt, khi dõng dạc tuyên bố: “Tôi ở khắp nơi. Ở khắp nơi…”. Cái thị trấn nhỏ xíu xa trung ương ấy như lời viên thị trưởng “dẫu có phi ngựa ba năm cũng chẳng tới được quốc gia nào” thực ra do “trông gà hóa cuốc” đã nhận nhầm một tay Khlestakov du thủ du thực đang bị bọn cờ bạc truy sát là “quan thanh tra” từ trung ương xuống! Để rồi cả đám quan chức ấy đua nhau cống nạp, thậm chí còn xin gả con gái cho! Là đang nói tới vở kịch lừng danh cùng tên của văn hào Nga Nikolai V. Gogol (1809-1852). Bi hài kịch ngao ngán đến nỗi Nga hoàng Nicholas I xem xong, đã phải thốt lên: “Mọi người đều dự phần trong tác phẩm ấy, mà ta lại còn nhiều hơn tất cả!”
Để thấy, thanh tra từ xưa đến nay là nghề luôn bị điều tiếng, nhất là với các thể thức xã hội vận hành theo mô hình bộ máy quan liêu. Thanh tra luôn là “nghề nguy hiểm”, bởi luôn đối mặt với tiền. Những đồng tiền không giới hạn sẵn sàng được mọi đối tượng tung ra để mua lấy sự an toàn, che đậy sai phạm. Những đồng tiền luôn được cả đôi bên rắp tâm che đậy, rất khó phát hiện.
Mọi hô hào về đạo đức công vụ, kể cả tổ chức thanh tra lại chính đội ngũ thanh tra, cũng đều khó đi đến đâu. Nếu không thực sự cải tổ về bộ máy, cơ chế.
Bằng không, việc thanh tra và khởi tố điều tra với các “quan thanh tra” vẫn còn là vấn nạn dài dài…