Cho nên Hội nghị đã đặt ra yêu cầu là phải quyết tâm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến ngày 30/10, Quốc hội đã bàn bạc tìm lối ra dứt điểm cho tình trạng bộ máy "giảm chỗ nọ lại phình chỗ kia" loanh quanh nhiều năm nay.
Để tất cả trên dưới một lòng quyết tâm tinh giản bộ máy công vụ, cần phải nhận thấy được rằng đó là một hướng đi hết sức đúng đắn, và ở đây có thể minh họa qua một vài dẫn chứng như sau:
Trước kia công văn phải đi bằng đường vận chuyển xe cộ mất hàng ngày, nơi xa hàng tuần, qua nhiều người trung chuyển, thì nay có mạng internet chỉ trong tích tắc bằng một động tác nhấp chuột là chuyển qua thư điện tử đến bất kỳ nơi xa xôi nào.
Trước kia phải tổ chức các đội tuần tra trên các tuyến đường, nay đã có hệ thống camera giám sát thay thế được đông đảo số người tuần tra. Trước kia phải có văn thư chuyên soạn thảo văn bản, tra cứu kho sổ sách, nay có các phần mềm soạn thảo lập trình sẵn chỉ việc điền thông tin vào, các ổ đĩa lưu trữ tra cứu chỉ bằng 1 cái nhấp chuột, cán bộ công chức nào cũng tự làm được nhanh chóng.
Đó chỉ là một vài trong số vô vàn ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào hoạt động công vụ, giảm đi được rất nhiều lần số lượng nhân lực so với trước. Rõ ràng khi khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan phải thay đổi theo hướng tinh gọn. Một bộ máy công vụ muốn làm việc năng suất, phải đồng nghĩa với hiện đại chứ không thể lạc hậu như trước, tức là phải thay thế số lượng nhân lực bằng những ứng dụng khoa học công nghệ một cách tối đa nhất.
Tinh gọn bộ máy còn có ưu điểm là các chủ trương chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn một cách chính xác nhất. Nếu bộ máy cồng kềnh, vừa mất nhiều thời gian để lan tỏa tới từng người, vừa dễ bị "tam sao thất bản" do càng qua nhiều người trung gian, các chủ trương chính sách càng có nguy cơ bị nhận thức lệch chuẩn, cho nên mới có tình trạng "trên bảo dưới không nghe" chính là do bộ máy cồng kềnh nhân lực.
Hội nghị trung ương 6 lần này đề cập đến vấn đề tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vì tính tất yếu, thể hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, đương nhiên nhân lực phải ngày càng giảm đi, bộ máy ngày càng tinh gọn. Trong đó, chủ trương nhất thể hóa một số chức danh và cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước, là đúng đắn.
Tuy nhiên cũng cần phải thấy thực tế, biên chế nhiều nơi vẫn không nhúc nhích, thậm chí có nơi còn sinh sôi thêm. Đó là do có một thực tế đội ngũ cán bộ ở nhiều nơi đã vướng phải cái nếp sinh hoạt bè phái, vây cánh, gia đình, làm gì cũng phải có người tin cẩn bao bọc ủng hộ, nhất là khi lấy phiếu tín nhiệm. Cho nên chẳng ai muốn "lấy đá ghè chân mình", tự chặt bớt "chân rết". Rồi thì cha mẹ nào cũng muốn bao bọc lo xin việc cho con, cố "chạy" cho con vào làm chỗ êm ấm, ổn định. Vì vậy việc tinh gọn bộ máy đã trở nên khá nan giải.
Cho nên muốn tinh giản dứt điểm trước hết phải đổi mới phong cách hoạt động của bộ máy. Nên chăng thay thế hình thức lấy phiếu tín nhiệm theo kiểu "tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp" như vừa qua, bằng hình thức thi tuyển chức vụ theo nhiệm kỳ, có ứng dụng thật sâu khoa học công nghệ để công khai minh bạch quá trình thi tuyển, tránh thiên vị, ưu tiên mối quan hệ.
Làm vậy thì có chân rết cũng không giúp được gì, có chạy chọt xin việc cho con em thì rồi cũng phải thi tuyển, do đó việc tinh gọn bộ máy mới không bị cản trở. Để theo hướng thu gọn bộ máy, chất lượng thi tuyển ngày càng phải nâng cao để lọc bớt, những người không đủ năng lực sẽ bị loại bớt mà không thể so bì được.
Đồng thời cần phải thực hiện cơ chế khoán kinh phí tiền lương đi đôi với hiệu quả hoạt động cho những người đứng đầu. Khi đó, để được lương cao thì bắt buộc người đứng đầu phải tự giảm bớt "chân rết" ăn theo.
Như vậy để có bộ máy tinh gọn hiện đại thì phong cách hoạt động của bộ máy phải đổi mới trước, hiện đại trước. Tinh gọn là một trong những đặc trưng cơ bản của bộ máy công vụ hiện đại, cho nên muốn hiện đại hóa bộ máy công vụ thì bắt buộc phải có tinh gọn.