Tôi đi săn chuột 'quý tộc'

Xã Măng Ri từ trên cao
Xã Măng Ri từ trên cao
TP - Ở khối núi Ngọc Linh cao nhất miền Trung Việt Nam có loài chuột “quí tộc” vì chỉ thích ăn sâm Ngọc Linh. Người dân tộc Xê Đăng (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) quan niệm, có thịt chuột “quí tộc” đãi khách vào ngày Xuân sẽ thể hiện sự sung túc, may mắn của gia đình.

Những kẻ đạo chích “Quốc bảo”

Tôi thích mảnh đất Măng Ri. Nơi đây có những cung đường đậm chất cao nguyên với rừng, gió núi thổi mát lạnh mỗi chiều, đặc biệt là thung lũng ruộng lúa bậc thang làm mê hồn bất cứ ai. Ở đây tôi còn có những người bạn dân tộc Xê Đăng hiền lành, chất phác. Anh A Trung - Phó Bí thư Huyện Đoàn Tu Mơ Rông luôn là hoa tiêu mỗi khi đến huyện Tu Mơ Rông.

Tôi hỏi đặc sản ẩm thực của vùng là gì, anh A Trung nói ngay “thịt chuột quí tộc”. Theo anh A Trung, trên địa bàn xã Măng Ri có 177 đoàn viên thanh niên, tất cả đều biết săn chuột “quí tộc”, nhưng A Non (SN 1996, làng Đắk Dơn, xã Măng Ri) là giỏi nhất. Anh dẫn tôi đến nhà thợ săn này. A Non cảnh báo: Tất cả vườn sâm Ngọc Linh được trồng sâu trong rừng. Để chống trộm, các chủ vườn giăng “thiên la địa võng” với bẫy chông, thép gai bảo vệ từ trong ra ngoài. Bởi thế, trước khi đi bẫy chuột phải có sự cho phép và dẫn đi của chủ vườn, nếu không sẽ rất nguy hiểm. 

“Để săn được chuột quí tộc phải lội rừng giỏi, biết nhìn con đường chuột đi, chọn vị trí thích hợp để đặt cái bẫy vì giống chuột ăn sâm Ngọc Linh rất tinh khôn, nhanh nhẹn. Mỗi con có một cách bẫy khác nhau. Nếu bẫy thất bại phải ngồi rình vào đêm, nó ra phá sâm là cầm gậy đập…” - A Non chia sẻ kinh nghiệm. Theo A Non, chuột này đi kiếm ăn từ sẩm tối đến khoảng 22h đêm. Loài chuột này có màu xám vàng, lông óng mượt, con to nặng tới 3 lạng, sống ở hốc cây cổ thụ và món khoái khẩu nhất là sâm Ngọc Linh.

Chúng tôi vào cuộc đi săn. Sau hơn 1 tiếng đi bộ, chúng tôi đến vườn sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi với diện tích hơn 2  sào của anh A Nhoai (30 tuổi, làng Đắk Dơn). Anh A Nhoai từ trong chốt nói vọng ra “A Non à, em vào đây bắt cho anh mấy con chuột đi, nó ăn 5 củ rồi. Vợ nó càm ràm mấy ngày rồi”. Hỏi qua về sự khôn ranh của chuột, A Non bắt tay vào việc. Hành động nhanh nhẹn, A Non dùng tay cào hở nửa củ sâm Ngọc Linh, đào một hố phía trước cách khoảng một gang tay có phần miệng to bằng cái bát, sâu 30cm, phía trên được phủ một lớp lá mỏng.

Một chủ vườn sâm khác ngay bên cạnh cho biết có một con chuột đã “thành tinh”, bẫy nhiều cách cũng không dính A Non nghe xong quyết định đặt hơn 10 cái bẫy bằng tre tự làm quanh thân cây nơi con chuột này trú ngụ. Lội rừng đến giữa đêm, chúng tôi đã đặt bẫy ở 5 vườn sâm. Tùy thuộc vào đặc tính của chuột mà A Non đặt các dạng bẫy khác nhau. 8 giờ sáng hôm sau đi thu hoạch, 17 chú chuột “ăn vụng” sâm Ngọc Linh bị tóm gọn.Các chủ vườn dành ánh mắt cảm phục, lời cảm ơn trước tài nghệ của A Non.

Tôi đi săn chuột 'quý tộc' ảnh 1 Chuột “quý tộc” gác bếp
Theo anh A Trung, 1kg sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi có giá gần 200 triệu đồng. Giá trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của sâm, cứ 1 năm trên củ lại xuất hiện một vòng tròn. Sâm quí nên các chủ vườn canh giữ ngày đêm, nhưng họ vẫn sợ nhất loài chuột “quí tộc” vì chỉ cần lơ đễnh một đêm có thể tổn thất cả chục triệu đồng. “Ngọc Linh là loại sâm quí nhất thế giới, chỉ trồng được ở vùng núi Ngọc Linh. Giá trị về dinh dưỡng và kinh tế đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem là quốc bảo nên đó là mục tiêu bị cả người và chuột ăn trộm”- A Trung chia sẻ.
Tôi đi săn chuột 'quý tộc' ảnh 2 Củ sâm Ngọc Linh
Xứng danh “sơn hào”

Nhúng vào nước nóng, nhổ sạch lông,17 con chuột “quí tộc” được thui qua lửa than đỏ rực dậy mùi thơm quyến rũ. A Non mổ lấy ruột, chặt thành từng miếng vuông, đúc vào ống lồ ô, bịt miệng ống bằng lá chuối rồi nướng trên bếp lửa. Món này sẽ được ăn chung với cơm nếp mà gia đình vừa thu hoạch được vào tháng 11 dương lịch. “Phần ruột bổ nhất, có vị đắng ngọt của sâm Ngọc Linh nên sẽ được làm sạch, ướp với hạt tiêu rừng, đúc riêng vào ống lồ ô rồi nướng lên để cho bố mẹ ăn, hoặc con nhỏ sử dụng”- A Non chia sẻ.

Tôi đi săn chuột 'quý tộc' ảnh 3  
Một cách chế biến khác được người dân Xê Đăng yêu thích là nấu với rau dớ (một loại cây mọc ở bìa rừng có vị chua). Chuột sẽ được rán (chiên) vàng lên, ướp muối ớt, đun sôi nước, bỏ rau dớ vào là có thể dùng được. Theo người dân, món canh này ăn vào những ngày lạnh giá dưới chân núi Ngọc Linh là “y bài”. Ngoài ra, nếu bắt được nhiều chuột “quí tộc”, người dân Xê Đăng sẽ phơi lên các phên tre trên bếp lửa trong nhà, khách quí đến sẽ được chiêu đãi. Quan niệm khách quí của người Xê Đăng cũng rất đơn giản. Đầu tiên là những anh em trong dòng họ, thứ hai là bất kể ai đến chơi nhà mà ở lại qua đêm tại gia đình đều được tiếp đón nồng hậu.
Tôi đi săn chuột 'quý tộc' ảnh 4 Thịt chuột “quý tộc” là món ăn đặc sản xã Măng Ri
Anh A Trung cho biết: “Tháng củ mật” cũng là thời điểm người dân tộc Xê Đăng đóng thóc vào bao để cất kho. Các gia đình sẽ làm lễ Cúng lúa kho với mong muốn con chuột không vào ăn thóc. Việc Cúng lúa kho không thể thiếu thịt chuột “quí tộc” nên người đàn ông sẽ phải đi lên núi Ngọc Linh săn bắt, chuẩn bị trước một tuần. “Những ngày quan trọng như Cúng lúa kho, Tết Nguyên đán, Tết Độc lập mà bữa cơm gia đình không có thịt chuột “quí tộc” thì người đàn ông trong gia đình đó sẽ bị đánh giá là lười biếng, dân làng chê cười, không tôn trọng. Người Xê Đăng cũng quan niệm, có thịt chuột “quí tộc” ăn vào ngày Xuân sẽ đem lại sự may mắn, sung túc trong năm mới” - Anh A Trung nói. 
Tôi đi săn chuột 'quý tộc' ảnh 5 Anh A Non nướng chuột “quý tộc”

Ông Vương Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện có 11 xã, trong đó 7 xã được qui hoạch trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu quý. Riêng xã Măng Ri có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất với hơn 90%. Xác định đây là mũi nhọn phát triển kinh tế cho người dân nên huyện tạo rất nhiều điều kiện cho thanh niên, người dân phát triển. 

Một ký sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi trị giá gần 200 triệu đồng, nên người dân phải bảo vệ trước sự nhòm ngó của kẻ trộm, đặc biệt loài chuột “quí tộc” chỉ thích ăn phần củ. Bởi vậy, chuột “quí tộc” có hương vị thơm ngon đặc biệt, du khách nào cũng muốn thưởng thức. Việc bắt chuột “quí tộc” vừa mang lại nguồn thực phẩm bổ dưỡng, vừa giúp bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh giá trị.

Tôi đi săn chuột 'quý tộc' ảnh 6 Bẫy người dân Xê Đăng tự làm
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.