Nhầm tưởng sâm quý Ngọc Linh, dòng người đổ vào vườn quốc gia săn lùng

Một đoàn người tìm sâm bị chặn lại ở cửa rừng Vườn quốc gia
Một đoàn người tìm sâm bị chặn lại ở cửa rừng Vườn quốc gia
TPO - Hàng trăm người dân tộc Mông ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông đã xâm nhập trái phép Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và một số vùng rừng lân cận để săn lùng loại cây mà họ tưởng đó là sâm Ngọc Linh.

Ngày 21/11, nguồn tin từ Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết: Sở đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt tiến hành nghiên cứu, xác định loại cây mà đồng bào Mông tìm kiếm tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và một số vùng rừng lân cận thuộc các huyện Lạc Dương và Đam Rông (Lâm Đồng), rồi mang về trồng trên rẫy hoặc đưa đi bán thời gian gần đây không phải là sâm quý Ngọc Linh. Thực chất loài cây này là sâm Lang Bian với tên khoa học là Panax.

Nhầm tưởng sâm quý Ngọc Linh, dòng người đổ vào vườn quốc gia săn lùng ảnh 1 Sự khác biệt giữa lá sâm Việt Nam và một số loại sâm khác.

Qua phân tích thành phần hóa học, sâm Lang Bian không có chất majonosid-R2, vốn là chất đặc trưng của sâm Ngọc Linh. Loại sâm này có hàm lượng saponin thấp, chỉ bằng 4,78%/mẫu khô đối với cây 10 năm trong khi hàm lượng chất này trong sâm Ngọc Linh là 52 - 56%/mẫu khô.

Sâm Lang Bian có hàm lượng hoạt tính sinh học thấp, không có giá trị cao về dược liệu, do đó tính thương mại cũng không cao như sâm Ngọc Linh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngành chức năng cung cấp kết quả nghiên cứu này cho các huyện Đam Rông và Lạc Dương để tuyên truyền cho cộng đồng dân cư biết loại cây mà nhiều người đổ xô vào rừng khai thác bất hợp pháp, vi phạm lâm luật thực chất là sâm Lang Bian, chứ không phải sâm quý Ngọc Linh. Giá trị thương mại của loài sâm này rất thấp so với sâm Ngọc Linh.

Như Tiền Phong đã phản ánh, vào tháng 8/2019, hàng trăm người dân tộc Mông chia thành nhiều đoàn xâm nhập trái phép vào Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và một số khu rừng lân cận để săn lùng loại cây mà họ cho là sâm Ngọc Linh. Các nhóm người này tìm mọi cách để xâm nhập rừng tự nhiên bất kể ngày hay đêm, thậm chí một số đối tượng còn có hành vi chống đối lực lượng chức năng.

Tình hình trên khiến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị quản lý bảo vệ rừng đã phải huy động tối đa lực lượng, phối hợp với công an ngày đêm túc trực, lập chốt ở cửa rừng để ngăn chặn các đoàn người xâm nhập trái phép. Hạt kiểm lâm Bidoup-Núi Bà đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý 24 đối tượng về hành vi vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng; yêu cầu 53 người khác làm bản cam kết không xâm nhập trái phép...

MỚI - NÓNG