Không nắm được sai phạm ở Vinalines
Đại biểu Lê Thị Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên dẫn báo cáo của Chính phủ nêu vấn đề, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được phân cấp quản lý, giám sát rất chặt chẽ mà vẫn để xảy ra sai phạm, và khi có sai phạm, phải rất lâu sau mới phát hiện.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chủ quan vì sao dù được giám sát theo dõi quản lý chặt chẽ thường xuyên như vậy nhưng những vụ việc sai phạm kéo dài gây thất thoát lớn vừa qua đều phát hiện rất chậm. Có những vụ chỉ được phát hiện qua làm việc của Ủy ban kiểm tra trung ương của cơ quan điều tra của thanh tra chính phủ, chứ không phải được phát hiện bởi công tác quản lý, giám sát của các Bộ, trong đó có Bộ Kế hoạch và đầu tư”.
Bà Nga cũng yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian vừa qua.
“Đề nghị bộ trưởng nói rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong việc Vinalines” – Bà Nga đề nghị, đồng thời gửi câu hỏi này đến cả hai bộ liên quan là Bộ Giao thông vận tải và Tài chính.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, “về nguyên tắc, chúng tôi cũng thấy rằng có trách nhiệm của Bộ, chứ không thể nói là không được”.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, các văn bản pháp luật quy định về doanh nghiệp còn chưa thống nhất.
Trước năm 2005, tập đoàn, tổng công ty nhà nước có luật doanh nghiệp nhà nước riêng. Sau đó, đến 2005, chúng ta nhập luật doanh nghiệp nhà nước với luật doanh nghiệp nói chung và không có việc phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân nữa – Ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, trong một số chế tài quản lý riêng cho doanh nghiệp nhà nước có những vấn đề thông thoáng hơn và trao quyền cho doanh nghiệp lớn hơn. Ngoài ra, theo ông Vinh, còn một số nghị định, quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Tất cả các nghị định của nhà nước quy định thẩm quyền của tập đoàn, tổng công ty được quyết định những mức công trình, cho nên các tập đoàn cũng không báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thực sự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không nắm được. Nói thật là không nắm được. Sau vụ việc Vinashin, Bộ đã họp và kiểm điểm rất nhiều và không nắm được, Vinalines cũng tương tự như vậy”. – Ông Vinh nói.
Tôi cũng xót xa lắm!
Chia sẻ về vấn đề Vinalines, đại biểu Trần Du Lịch, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cách đây hai năm, cũng tại hội trường này, giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một đồng chí ở thường vụ Quốc hội có tranh luận. Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư nói là vô can trong vụ việc…
Ông Lịch đặt vấn đề, theo lời Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, các ông Chủ tịch tập đoàn, tổng công ty tự ý giải quyết những việc liên quan đến nguồn vốn trong cơ quan, không ai biết gì cả. Như vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu, phân bố nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có xót xa không, khi số tiền đó, được tiêu dùng như tiền riêng của các nhân.
“Sự chậm trễ này như thế nào và hay là chúng ta cứ tiếp tục, Bộ kế hoạch và Đầu tư sẽ vô can trong tất cả các thất thoát nữa?”
Trao đổi về vấn đề thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước trong tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói “rất xót xa”: “Để lãng phí như vậy, tôi cũng thấy rất xót xa và rất trăn trở”.
Theo ông Vinh, những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan đến bản chất con người, đạo đức của người đứng đầu. “Người ta biết luật pháp thế, người ta cố tình làm như vậy”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, ngoài việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, quy định, cần phải quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến thiệt hại là những vấn đề rất quan trọng.
“Nếu hiểu luật bằng mười, mà họ cố tình vi phạm họ quyết tâm vì cá nhân họ vượt lên trên tất cả thì pháp luật phải xử lý” – Bộ trưởng Vinh nói.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc sai phạm ở Vinalines, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả nghiên cứu báo cáo tài chính của cơ quan này năm 2010. Đến ngày 11 – 1 – 2011, Bộ Tài chính có văn bản báo cáo tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong năm 2009, 2010 và đã có khuyến cáo đến công ty này. “Đến 27 – 7 – 2011, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản báo cáo về tình hình tài chính của Tổng công ty hàng hải Việt Nam và đã cảnh báo tình hình tài chính của công ty mẹ của Vinalines đang gặp khó khăn và chúng tôi đã nêu rất nhiều khuyết điểm, tồn tại, đề xuất…” – Ông Huệ nói. |