Chuyện cá nhân
Nỗi buồn trên cây/của người đàn bà/ không tuổi/không niềm tin/không hoài niệm.
Từ mấy câu thơ của Nikita Như Quỳnh, nữ đạo diễn Minh Đức đã tạo ra một câu chuyện ấn tượng. Bế tắc, thất bại, Mai phản kháng một cách bộc phát. Cắt tóc, khỏa thân trước ống kính, chạy như điên trên phố chẳng khiến cô dễ thở hơn, thành công hơn trong công việc. Một cái kết bỏ lửng.
Bộ phim nhắc tới sex, công giáo và sự nổi loạn. Vượt qua mười mấy phút ngắn ngủi, nó gắn tâm trí khán giả vào thân phận người phụ nữ hiện đại. Sống theo bản ngã hay sống vì ai đó để được tôn trọng? Một vấn đề đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam.
Đó là lý do Tôi ba mươi được chọn tranh giải hạng mục phim ngắn của LHP Cannes 2014. Nhưng sự vắng mặt đáng tiếc của nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức đã đóng lại cánh cửa trước mắt. Thay vì công chiếu, phim chỉ được xem trên máy tính của ban tổ chức.
Chỉ đạo diễn không làm nên bộ phim. Êkip đã tốn nhiều công sức ra được một sản phẩm “có trình độ rất cao đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay”- lời nhà sản xuất Francois Serre (Pháp).
Việc đạo diễn Minh Đức tạm thời “mất tích”, không trả lời mail hay nghe điện thoại dễ khiến người ta liên tưởng tới cái tôi của nghệ sĩ.
Tới cộng đồng phim ngắn
Giống như Tôi ba mươi thực chất là bài thi tốt nghiệp của đạo diễn, đa số phim ngắn do sinh viên làm để phục vụ việc học tập. Ưu điểm của dòng phim này là kinh phí thấp, dễ tìm diễn viên. Diễn viên chuyên nghiệp cũng thích đóng phim ngắn, thậm chí không cần thù lao.
Bên cạnh đó, không thiếu sản phẩm mang tính thương mại, đầu tư lớn nhằm quảng bá tên tuổi đạo diễn hoặc hãng phim. Hoặc giả được trích lục từ tác phẩm điện ảnh chưa công bố theo kiểu “dùng phim ngắn bắn phim dài”.
Sự phát triển đa dạng của dòng phim ngắn dễ dàng nhìn thấy qua Tiệc phim trực tuyến YxineFF do Diễn đàn điện ảnh Yxine.com tổ chức hàng năm. Từ con số lẻ năm đầu tiên, YxineFF 2014 nay nhận gần trăm tác phẩm dự thi dù chưa hết hạn đăng ký. Bên cạnh đó là hạng mục tranh giải quốc tế: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc...
“Cho tới nay ở Việt Nam chưa có phim gọi là phim d’auteur (phim thể hiện quan điểm nghệ thuật của chính đạo diễn). “Tôi ba mươi” quả đúng là phim d’auteur. Hiện ở Việt Nam người ta làm phim trước hết để kiếm tiền”.
Nhà sản xuất Francois Serre
Đạo diễn Phan Xine, thành viên ban tổ chức cho biết: “Nói chung phim nước ngoài vẫn nhỉnh hơn. Việt Nam, ngoài một số tác phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng, còn lại vẫn mang tính nghiệp dư”. Anh cũng tin tưởng Ban giám khảo với các tên tuổi như đạo diễn Trần Anh Hùng, Benoit Delhomme, diễn viên Ngô Thanh Vân, nhà văn Phan Việt, nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh sẽ tìm ra được đại diện xứng đáng để trao giải.
Hội chợ phim ngắn vừa được tổ chức ở TPHCM cũng thu hút số đông bạn trẻ tham gia đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm cho những người yêu điện ảnh. Người ta mê facebook vì tìm được nơi thể hiện bản thân. Làm phim ngắn vừa được thể hiện cái tôi nghệ thuật, bộc lộ quan điểm xã hội qua ống kính máy quay, vừa có cơ hội vươn xa hơn trong sự nghiệp điện ảnh.
Tuy nhiên, thành công của Tôi ba mươi và vài phim điện ảnh ra quốc tế khác đã khiến người làm phim trẻ buộc phải chọn lựa. Theo kinh nghiệm đúc kết, tác phẩm thiếu tính quốc tế, khó đi liên hoan lớn. Còn đã đi “Tây” rồi, lúc về sẽ lại khó nhận ra là phim của người Việt, phản ánh xã hội Việt Nam.