Tộc người 'mang thiên mệnh chiến binh'

Tộc người 'mang thiên mệnh chiến binh'
TP - Tự nhận mình là anh cả, được sinh ra để trở thành những chiến binh bảo vệ cương vực của Tổ quốc và nguồn nước cho muôn loài, nên từ xa xưa, người Mày ở Quảng Bình thường sống nơi khởi đầu nguồn nước, tách biệt với thế giới xung quanh...

> Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu
> Rừng ma và phố thị giữa đại ngàn
> Huyền thoại mùa săn máu

Truyền thuyết núi Cu Lôông

Tộc người Mày hiện có khoảng 1.000 nhân khẩu, sống chủ yếu ở miền biên viễn, ẩn mình dưới dãy núi Giăng Màn hùng vĩ, thuộc hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. “Mày” theo tiếng bản địa có nghĩa là đầu nguồn con nước, thuộc nhóm người Chứt, trong hệ gia đình của các tộc người Rục, Sách, Khùa.

Sau hai mùa rẫy từ khi về bản mới, nhiều gia đình người Mày bước đầu đã tự chủ được lương thực
Sau hai mùa rẫy từ khi về bản mới, nhiều gia đình người Mày bước đầu đã tự chủ được lương thực .

Theo truyền thuyết, người Mày, là anh cả của các tộc người khác, thậm chí cả người Kinh ở dưới xuôi. Chuyện kể rằng: Ngày xưa trời làm lũ lụt, núi non ngập hết, duy nhất ngọn núi khổng lồ của thần Cu Lôông (người của trời) là không bị ngập. Nước lũ cuốn trôi nhà cửa, cây cối, con người và mọi vật đều chết hết. Trong cơn đại hồng thủy ấy, có hai anh em (một trai, một gái) nhờ lấy cây ó làm bè, trôi dạt đến núi Cu Lôông mà sống sót.

Nước rút, hai anh em ở lại núi của thần Cu Lôông làm ăn sinh sống. Có ông Bụt hiện lên khuyên hai anh em lấy nhau để nối dõi loài người nhưng họ không chịu. Một buổi sáng, người em quét nhà, người anh ngồi ăn trầu, vô tình vứt bã trầu vào đùi em gái. Chỗ bã trầu dính sinh ra một trứng, trứng sinh ra ba người con. Anh cả là người Mày, em kế là người Nguồn và em út là người Kinh.

“Người Mày của miềng (mình) tin rằng, sự vi diệu của miếng bã trầu là nhờ vào tài ba thần núi Cu Lôông. Thần núi Cu Lôông đã sinh tổ tiên người Mày, chỉ cho nơi ăn, chốn ở, dạy cách làm ăn, giết dã thú, chống giặc ngoại xâm để tồn tại, nên người Mày thờ phụng thần núi Cu Lôông cho đến nay” - già làng Hồ Xếp nói.

Người Mày ngày nay vẫn giữ được phong thái của một chiến binh trong truyền thuyết
Người Mày ngày nay vẫn giữ được phong thái của một chiến binh trong truyền thuyết.

Theo sự phân công của thần Cu Lôông, người Mày là anh cả nên phải sống ở miền biên viễn, đầu nguồn nước để bảo vệ lãnh thổ, cũng như bảo vệ nguồn nước - nơi khởi nguồn của sự sống muôn loài.

Nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Quảng Bình, Đinh Thanh Dự cho rằng: Theo truyền thuyết, người Mày rất thiện chiến, biết cách bố phòng, cũng như sử dụng vũ khí điêu luyện. Bằng chứng là ngày nay, so với các tộc người khác trong vùng, việc đi săn của người Mày luôn đạt hiệu quả cao hơn nhờ vào sự tinh xảo của các loại vũ khí tự tạo.

Với trách nhiệm cao cả ấy, người Mày thường xuyên bị kẻ thù vây đánh, cướp bóc. Thủ lĩnh người Mày nhờ đến thần núi Cu Lôông. Thần Cu Lôông hiện về bảo rằng: Muốn thắng giặc phải chọn ngọn đồi độc lập giữa thung lũng, bốn bề núi cao dựng đứng, biến nó thành pháo đài để chống giặc ngoại xâm. Thần Cu Lôông còn chỉ cho thủ lĩnh người Mày cái cây có chất độc, cách làm ná, cung tên, lấy ong rừng đánh đuổi kẻ thù, kỹ thuật bẫy lao, bẫy chông ba khía...

Những trận đánh kinh thiên động địa diễn ra sau đó khiến quân giặc kinh hồn bạt vía. Từ đó người Mày trở thành những chiến binh thực thụ, tạo dựng niềm tin cũng như sự kính nể của các tộc người anh em khác.

Không chỉ xem mình là chiến binh có thiên mệnh bảo vệ bờ cõi quốc gia, mà người Mày còn nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ nguồn nước cho muôn loài. Từ xưa đến nay, người Mày rất quý nước, nhất là nước đầu nguồn. Họ có một lễ hội chia nước cho từng hộ gia đình vào cuối năm và trong các phong tục thờ cúng của người Mày bao giờ cũng có một bát nước.

Nước trong các lễ hội thờ cúng thường được lấy về từ nơi tận cùng của suối nguồn. Người đi lấy nước bao giờ cũng là những bậc cao niên được trọng vọng nhất của tộc người Mày. Họ phải chay tịnh trước đó 3 ngày, lên đường từ khi gà gáy canh ba. Nước lấy về, sau khi làm các nghi lễ sẽ được chia từng bát cho các hộ gia đình trong bản mang về đặt lên bàn thờ cho đến lễ chia nước lần sau.

Tìm thấy vùng đất trong truyền thuyết

Theo truyền thuyết được dẫn ở trên, thần Cu Lôông đã chỉ cho tổ tiên của họ, nơi sinh sống phải là một thung lũng có ngọn đồi độc lập, bốn bề núi cao bao bọc, nước chảy bốn mùa nhằm dễ bề công, thủ trước sự hung hãn của quân thù và dã thú.

Người Mày vốn định cư ở Tà Vờng, Tà Dong, đó là nơi khởi nguồn của con suối Hong Uông Trì Huồi, một trong những dòng suối đầu tiên khởi phát đổ ra sông Gianh. Tuy nhiên, vùng đất “có ngọn đồi độc lập” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của thần Cu Lôông đã chỉ dạy vẫn là trong mơ của bao thế hệ người Mày.

Bản mới trong mơ theo truyền thuyết của người Mày về một ngọn đồi độc lập
Bản mới trong mơ theo truyền thuyết của người Mày về một ngọn đồi độc lập.

Năm 2010, Đồn Biên phòng Ra Mai được giao nhiệm vụ xây dựng một bản mới cho người Mày để tránh núi lở. Tuy nhiên với truyền thống người Mày, họ không bao giờ rời bỏ quê hương bản quán. “Tôi không đi đâu hết/Tôi ở núi rừng cha mẹ đã sinh ra tôi/ Núi rừng này cha mẹ đã nuôi tôi/ Dễ kiếm ăn con cá con ốc/ Tôi không đi đâu hết/ Không bỏ núi rừng tôi/ Núi rừng tôi dễ kiếm ăn/ Dễ kiếm sản vật/ Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu/ Tôi không tham rừng của họ/ Đi rừng của họ khó kiếm ăn” – Lời bài hát của người Mày thường hát vào những ngày lễ tết thể hiện rất rõ điều đó.

Như ông Đinh Thanh Dự thú nhận: Để di chuyển được người Mày rời quê hương, bản quán còn khó hơn lên trời. Họ chỉ có thể đi khi nơi ở mới phải là vùng đất lý tưởng trong truyền thuyết của họ.

Một cuộc tìm kiếm vùng đất mới cho người Mày do Đồn Biên phòng Ra Mai đảm trách tưởng chừng như vô vọng. Thượng tá Lê Văn Thuận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai nhớ lại: Nơi người Mày sinh sống không chỉ nguy hiểm do sạt núi, lở đất mỗi mùa mưa lũ, mà đường sá đi lại chỉ là những lối mòn, đất đai canh tác không có. Ban đầu bộ đội biên phòng đến đặt vấn đề hầu hết người Mày không chịu đi. Tuy nhiên sau một thời gian kiên trì vận động họ cũng đồng ý nhưng với điều kiện: Nơi ở mới phải là vùng đất của thần Cu Lôông đã chỉ dạy cho tổ tiên người Mày.

 Nếu không có bộ đội nhiệt tình, kiên trì thì tự người Mày khó mà tìm ra vùng đất của thần Cu Lôông đã chỉ dạy. Đây đúng là điều thiêng hiện về.

Già làng Hồ Xếp

Sau nhiều tháng trời, những chiến sỹ biên phòng của đồn Ra Mai cùng với các bô lão của người Mày đạp hết rừng này qua núi nọ, nhưng vùng đất nào người Mày cũng lắc đầu vì “cái bụng không ưng”. Sốt rét rừng, sên vắt đã quật ngã không ít chiến sỹ biên phòng của đồn Ra Mai. Với quyết tâm phải giúp người Mày thoát cảnh sống cơ cực hiện tại, các kỹ thuật trắc địa hiện đại được bộ đội biên phòng áp dụng, rồi cả lễ vật cầu khấn thần Cu Lôông chỉ cho vùng đất mới cũng được già làng người Mày thực hiện. Rồi cũng đến lúc tất cả vỡ òa trước ngọn đồi Mơ Leeng, ẩn mình dưới điệp trùng núi rừng thuộc dãy Giăng Màn.

Nằm ẩn mình trong trùng điệp núi rừng, ngọn đồi Mơ Leeng nổi lên giữa một thung lũng rộng lớn, đất đai màu mỡ và kế bên là những thác nước trắng xóa đổ xuống từ đỉnh núi cao. Một bản người Mày mới được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai đảm trách xây dựng. Từ nhà cửa, đường đi, lối lại, đất đai canh tác đều theo phong tục, tập quán của người Mày.

Tháng 10 năm 2011, 22 ngôi nhà mới đầu tiên của người Mày được hoàn thành. Những cư dân của bản mới được chia đất canh tác, hỗ trợ gạo cơm và nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình. Ngồi trong ngôi nhà sàn kiên cố, nhìn lên thác Mơ Leeng trắng như dải lụa giữa màu xanh ngút mắt của cây rừng, già làng Hồ Xếp mãn nguyện: “Người Mày miềng cảm ơn bộ đội lắm. Nếu không có bộ đội nhiệt tình, kiên trì thì tự người Mày khó mà tìm ra vùng đất của thần Cu Lôông đã chỉ dạy. Đây đúng là điều thiêng hiện về”.

Về bản mới, người Mày xin vẫn được giữ nguyên tên cũ là bản Dộ, là nơi chôn rau, cắt rốn bao đời nay của họ. Trưởng bản Hồ Khiên tin tưởng, người Mày sẽ nhanh chóng thoát nghèo nơi vùng đất mới. “Ở đây có đất đai màu mỡ, nước khe đầy cá. Mới hai mùa rẫy mà nhiều gia đình đã đầy ắp ngô, sắn, có thể tự chủ được lương thực rồi. Miềng tin con cháu người Mày sau này sẽ phát triển và giàu có thôi” - Hồ Khiên vui mừng nói.

Rời bản Dộ, nghe văng vẳng tiếng ru con của người mẹ Mày: “Con gái ơi/ Bình minh sớm dậy/ Cuốc đất trồng chuối/ Trồng sắn, trồng khoai/ Và trồng mía ngọt/ Mà trồng gai thơm/ Cho bố được vui/ Cho mẹ được nhờ/ Con ơi, này con ơi”.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.