Toát mồ hôi theo chân ‘tiểu siêu nhân’ đi… học thêm

Cảnh hai em học sinh vừa đi vừa xúc cơm ăn vội trên đường vô tình được ghi lại. Ảnh cắt từ clip anh Chu Chí Khanh.
Cảnh hai em học sinh vừa đi vừa xúc cơm ăn vội trên đường vô tình được ghi lại. Ảnh cắt từ clip anh Chu Chí Khanh.
Nếu sự học thêm “thần diệu” đến vậy, chắc chắn con số học sinh ngu ngơ cả kiến thức và kỹ năng không ngất ngưởng như trong các thông tin được công bố sau mỗi kỳ thi. 

Thời gian biểu của "tiểu siêu nhân"

Thời gian biểu của một học trò chăm ngoan: sáng dậy từ 5 giờ, đến trường 6h40, học đến 11h15, về nhà, 13h15 học chiều đến 17h; 19h học thêm đến 21h; 22h ngồi học bài, 23h30, ngủ. Sáng mai, 5 giờ dậy, lặp lại như thế, ngày/tuần/tháng/năm. Nếu học bù, nếu học thêm chủ nhật, học thêm đội tuyển, nếu học thêm hai ca/tối thì còn dư ra giờ phút nào cho con trẻ sống cho mình?

Chúng ta xót xa các em vừa đi học vừa ăn, đến trường tranh thủ ăn; vừa ngồi học vừa ngủ gật, vừa vào lớp vài phút đã lơ tơ mơ… Chúng ta nghĩ gì khi nhẩm tính 12 năm học, chắc các em phải nghe đến cả chục nghìn lần “nhanh lên, muộn rồi, đi thôi” (mỗi ngày 2 lần).

Ở nhà cha mẹ giục đi học, đến trường thầy cô bảo về nhà học, học thế chưa đủ, cần phải học thêm, cần phụ đạo, cần bồi dưỡng thêm! Thầy cô bảo thương bố mẹ phải cố mà học; bố mẹ bảo đừng phụ công thầy cô, cố mà học…

Chúng ta nghĩ con mình là tiểu thần thánh xương đồng da sắt với trí tuệ nhân tạo, sức lực phi thường?

Chúng ta nghĩ con mình là cỗ máy vĩnh cửu hoàn hảo, bộ não siêu việt, trí nhớ siêu nhân?

Nếu không phải thế, làm sao con mình có thể chịu đựng được mệt mỏi và căng thẳng cả ngày cả tuần suốt 11 tháng trời/ năm (chỉ được nghỉ hè thực chất 1 tháng) trong 12 năm học phổ thông?

Nếu không phải thế, làm sao con mình ngồi nghe thầy cô giảng sáng 5 tiết, chiều 4 tiết, tối 2 tiết và 2 tiết tự học, mỗi ngày 13 tiết, mỗi tuần 6 ngày ròng rã không kể nắng hay mưa, nóng - lạnh, khỏe – yếu?

Nếu không phải thế, con mình làm sao vì lo bài không học, không thuộc để lãng quên cả tuổi thơ, từ bỏ vui chơi bè bạn?

Vòng luẩn quẩn không của riêng ai

Cấp chiến lược vĩ mô, lâu nay cải cách liên hồi với những lộ trình, quy trình lúc nào cũng đúng, rồi thấy chưa đúng, rồi điều chỉnh, rồi thay thế! Đó có phải là sự nguy hại của tư duy chiến lược giáo dục chỉ tin vào những con số thành tích đẹp đẽ mà quên đi rất nhiều điều quan trọng? 

Cấp chiến lược cơ sở, cứ theo điều A, mục B; đề án X, dự án Y; chương trình M, kế hoạch K… cụ thể chi tiết thêm để cấp vi mô thực hiện. Các phong trào, các đợt ra quân, các cuộc thi, các đợt tập huấn cứ rầm rộ như năm trước, phấn đấu đừng để tụt xuống…

Cấp chiến lược vi mô, việc theo mùa vụ, theo kế hoạch làm cho xong; tháng nào việc gì, thi gì, báo cáo thế nào… Học sinh cứ học, giáo viên cứ dạy; các đầu việc đều làm đủ, tham gia hết, miễn sao đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, kịp theo yêu cầu của công văn.

Học sinh điểm kém nhiều, các thày cô xem lại cách dạy, đề thi, việc chấm và rút kinh nghiệm… Học sinh yếu kém cần phụ đạo, bồi dưỡng thêm để lớp phụ trách không còn trò yếu kém, không để lưu ban, không để bỏ học...

Cấp chiến lược gia đình, con học cả ngày ở trường chưa đủ hiểu bài, chưa thuộc bài; học thầy cô này chưa chuẩn, chưa hiểu bằng thầy cô kia; học một buổi/tuần/môn chưa đáp ứng yêu cầu thi vào lớp chọn, vào trường B; học thế làm sao bằng con nhà C, nhà D; học thêm để thầy cô quản cho; con người ta đi học thêm con mình không đi thì sợ…

Vòng luẩn quẩn bắt đầu từ con số điểm bài thi, điểm tổng kết và từ chính người dạy, từ chính phụ huynh. Đôi khi vì lẽ đơn giản nào đó, em A điểm thấp hơn em B, người lớn ngay lập tức đặt vấn đề rất quan trọng, nếu không học thêm thì cháu thế này thế nọ. Thế là bố mẹ, gia đình cuốn theo học hành của con, cả nhà như vào trận đánh lớn kéo dài năm này qua năm khác tự bao giờ không biết!

Nhưng chúng ta nghĩ gì khi học sinh đến trường chỉ thích vui chơi, thích giờ ngoại khóa, hân hoan khi thầy cô ốm không lên lớp được; giờ kiểm tra không ít em ngồi đề không muốn đọc, không tỏ ra suy nghĩ, không làm bài, cuối giờ tìm cơ hội chép hoặc bỏ kệ. Học sinh chúng ta thông minh lắm nhưng học chính khóa, học buổi chiều, học buổi tối liên tục như thế khác gì nước đổ lá khoai!

Thực tế cho thấy những học sinh có ý thức, nhanh nhẹn, tự giác, nỗ lực mới giỏi vượt qua khó khăn; những học sinh không dựa dẫm vào học thêm nhà thầy cô mới có kết quả thật sự đúng với năng lực. Mấy năm qua, biết bao thủ khoa đầu vào đại học là những em không có điều kiện học thêm, chỉ nỗ lực tự học.

Nếu sự học thêm “thần diệu” đến vậy, chắc chắn con số học sinh ngu ngơ cả kiến thức và kỹ năng không ngất ngưởng như trong các thông tin được công bố sau mỗi kỳ thi.

Theo Theo TuanVietNam
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.