Hùng (phía trước) dọn hàng thuê trong đêm lạnh ở chợ đêm sinh viên . |
Chơi & làm toát mồ hôi
Vào New Square trên đường Kim Mã - vũ trường mới nổi mà dân chơi rất hay tụ về đêm - có cảm giác như đang mùa hè. Mấy cô gái nhảy mặc áo hai dây, phơi bày da thịt hở hang như đang tắm biển. Những thiếu gia con nhà giàu phong phanh sơ mi, áo phông bất chấp cái lạnh đêm Hà Nội. Hưng, một thiếu gia sập cửa chiếc BMW. X5, bảo: “ Trong ôtô ấm, vào vũ trường thì phát sốt, mặc áo ấm thành ra thừa thãi và quê.
Độ nóng của New Square bắt đầu khiến tôi phát sốt. Hàng trăm người nhảy cuồng nhiệt trên sàn, rượu ngoại chảy tràn vào cốc thủy tinh. Trên sân khấu, gái nhảy uốn éo những vũ điệu bốc lửa theo tiếng nhạc muốn vỡ cả dàn loa.
Theo nhiều dân chơi, ở Hà Nội, chỉ New Square mới có gái nhảy đẹp nhất. Hai gái nhảy mẫu chân dài dáng chuẩn, cứ lắc liên hồi không ngừng nghỉ. Dưới ánh đèn, tôi thấy lưng trần hai cô lấm tấm mồ hôi. Nhảy nhiều chắc phải mệt, người đâu phải máy! Nhưng ở đây, nhảy cũng là một thứ lao động không được quyền ngừng nghỉ khi cả trăm người đang chuyển động theo vũ điệu của hai cô. Mồ hôi hình như đã làm ướt cả lưng áo nhưng hai cô gái nhảy vẫn lắc không mệt mỏi.
Vào New Square mới thấy tiền mất giá. Rẻ nhất ở đây là bia Heineken có giá 100 – 150 nghìn đồng/ chai. Nhưng việc uống bia sẽ đi kèm thái độ phục vụ lạnh nhạt, khinh khỉnh, bởi vào đây mà dùng loại này chẳng khác nào ở quán café lại gọi trà đá.
Hoàng - người bạn cùng đi - toát mồ hôi trán khi nhìn hóa đơn thanh toán: 5 triệu đồng cho rượu và vài thức nhắm. Bên kia, một thanh niên người Hàn Quốc chắc cũng tỉnh rượu khi thấy hóa đơn: 23 triệu phải trả cho 3 chai rượu và bao thuốc lá ba số, cùng với đĩa hoa quả.
Nhưng rượu vẫn chảy, nhạc càng bốc. Mồ hồi chảy trên những thân hình đang cuồng nhiệt trên sàn. Bên ngoài, Hà Nội dưới 10 độ C. Tôi thoát ra khỏi vũ trường, đi bộ về phía đường hồ nước ven đường Kim Mã của công viên Thủ Lệ. Ven đường có quán trà vẫn đang sáng đèn. Bà chủ quán đang pha cho anh xích lô cốc trà đá. Tôi hỏi: “Lạnh thế này mà vẫn uống trà đá à?”. Anh xích lô đáp: “Tôi đang nóng trong người đây”.
Tối nào anh cũng làm một vòng xích lô đến các quán ăn lấy nước gạo về nuôi lợn. Xích lô của anh chỉ dùng để chở những thùng nước gạo và thức ăn thừa. Chiếc xích lô đêm nay đầy những thùng nước gạo, anh còng lưng đạp cả chục cây số, đẫm mồ hôi trong tiết lạnh.
Tối nào anh cũng làm một vòng xích lô đến các quán ăn lấy nước gạo về nuôi lợn. Xích lô của anh chỉ dùng để chở những thùng nước gạo và thức ăn thừa. Chiếc xích lô đêm nay đầy những thùng nước gạo, anh còng lưng đạp cả chục cây số, đẫm mồ hôi trong tiết lạnh. |
Anh xích lô làm một ngụm trà đá, xít xoa: “ Trời rét uống trà đá ngon thật. Bà chủ kiếm đâu ra đá vào giờ này?”.
Bà chủ vừa đập muỗi vừa bảo: “Ôi dào, không có đá thì bán cho ma à. Giờ này chỉ bán trà đá cho mấy ông choai choai trong vũ trường. Các ông ấy nhảy mệt, uống rượu nhiều, lại thèm trà đá đấy”.
“Thế bà phải chém một cốc trà vài chục nghìn nhỉ?”. “Vẫn một cốc hai nghìn thôi. Tôi ngồi cả đêm cũng chỉ kiếm được dăm chục một trăm là may” - bà chủ quán trà uể oải.
“Sao bà không lấy cao hơn, các cậu ấy uống một chai rượu 5-7 triệu là chuyện nhỏ ấy mà, cốc trà đá thì đáng gì”. Nghe tôi nói chai rượu 5-7 triệu, anh xích lô lau mồ hôi trán và đứng dậy, đạp xe khuất vào bóng tối.
Chợ đêm sinh viên sau 0 giờ bắt đầu vãn người nhưng đủ thứ hàng hóa bình dân bày bán. Tôi nhìn thấy một chàng trai trẻ ngủ gục sau quầy hàng quần áo. Anh chàng giật mình ngồi dậy khi tôi bước vào.
Chàng trai tên Hùng, sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội, quê tận Quảng Bình. Nhà ở quê vừa bị lũ cuốn trôi, Hùng phải ra chợ đêm đứng bán thuê quần áo, mỗi tháng thêm được 800 nghìn đồng chưa đủ tiền thuê nhà và tiền ăn nên Tết không về quê được.
“Đêm nào cũng sau 2 giờ em mới được ngủ, nên lên giảng đường toàn ngủ gục”, Hùng nói và đứng dậy dọn hàng. Một mình Hùng phải ôm những bao tải quần áo còn to hơn cả người để cho vào quầy. Chỉ một lúc, giữa cái giá buốt đêm Hà Nội, lưng áo Hùng đã đẫm mồ hôi.
..Hai cô gái một tóc vàng, một tóc nâu sà vào quán ngô nướng bên hồ Giảng Võ. Đã hơn 2 giờ sáng, những quán ốc vốn rất tấp nập ở đây cũng đã đóng cửa, chỉ còn những hòn than hồng của bà bán ngô vẫn đỏ rực. Hai cô gái mặc đồ hiệu nhưng dính bùn đất, run rẩy ngồi bên bếp than hồng. Cô tóc nâu xuýt xoa:
“Về đến đây mới biết mình thoát nạn, bọn em vừa đi khai ấn ở đền Trần Nam Định. Đông khủng khiếp, hàng nghìn người tranh cướp ấn, chen lấn xô đẩy, có một số người ngất. Trời lạnh dưới 10 độ mà mồ hôi bọn em ướt cả áo. May mà xin được cái ấn, chẳng biết có hanh thông, may mắn gì không, nói dại nếu xảy ra thảm họa như ở bên Campuchia thì chết cả nút”.
Những hòn than hồng tỏa ra thứ hơi ấm mộc mạc đến lạ. Ngô nướng đã chín. Cô tóc vàng vừa ăn ngô vừa đưa ấn đền Trần ra ngắm, bảo: “Ngô nướng ngon quá, Tết vừa rồi ăn uống thịt thà nhiều, ngán đến tận cổ, giờ ăn ngô nướng lúc 2 giờ đêm cứ như Chúa xơi mầm đá. Một tối, chị bán được bao nhiêu bắp ngô?”.
Chị bán ngô lau mồ hôi, nói: “Tối nay bán được bảy chục bắp, quạt rã cả tay, trời lạnh mà vã mồ hôi như mùa hè. Mỗi tối cũng kiếm được dăm bảy chục cô ạ”.
“Thế thôi à”, cô tóc vàng thốt lên. “Bọn cháu thuê taxi xuống đền Trần cả đi cả về bằng cô quạt ngô cả tháng cơ đấy. Nhà cô ở đâu, sao về muộn thế?”.
“Tôi thuê nhà ở dưới Cầu Diễn. Chịu khó ngồi muộn mới có khách, về sớm lấy gì nuôi con”. Chị bán ngô sửa soạn dọn hàng. Chị sẽ đạp xe khoảng 15 cây số để về ngôi nhà trọ tồi tàn gần Nhổn. Đó là chặng đường dài không dễ dàng của người mẹ đơn thân.
Toát mồ hôi với nỗi lo đời thường
Tôi phóng xe trên đường Bà Triệu, đoạn gần Hồ Gươm. Đường vắng ngắt, có người đàn ông đang quấn tấm chăn rách nằm rên hừ hừ. Tôi lại gần, qua ánh đèn đường thấy trán người đàn ông vô gia cư lấm tấm mồ hôi. Ông ta đang lên cơn sốt giữa đêm Hà Nội lạnh giá. Thời tiết đầu xuân thế mà độc, đang lạnh bỗng nóng, nóng rồi bỗng lạnh, nhiều người ốm. Nhưng không ai biết người đàn ông kia đang lên cơn sốt, tiếng rên hừ hừ của ông bị gió mùa đông bắc cuốn đi.
Chị Lê (đội nón) toát mồ hôi vì lo không kiếm đủ tiền từ công việc chở hàng thuê để nuôi sống gia đình . |
Tôi đến chợ đầu mối Long Biên lúc 3 giờ sáng nhưng đèn sáng rực, người tấp nập. Rau củ quả cứ bày ra tươi rói, đầu năm mà chợ đã ngồn ngộn hàng. Vào dịp Rằm tháng giêng, nhiều người chịu khó thức đêm ra chợ bán sỉ Long Biên mua hàng cho rẻ.
Dưới chân cầu Long Biên, tôi thấy những người đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em, đang còng lưng kéo xe thuê, bước chân của họ miết trên nền đường làm nóng cả con dốc bê tông.
Chị Lê quê Hải Dương lên Hà Nội chở hàng thuê, tâm sự với tôi trong phút nghỉ chân: “Kéo xe cả đêm cũng kiếm được vài trăm nghìn, nhưng làm suốt sẽ kiệt sức. Ra Tết ngó qua các mặt hàng ở đấy thấy đều tăng giá cả. Sắp tới còn tăng giá điện, giá xăng, giá than nữa, gia đình tôi sẽ khó sống lắm”.
Chị Lê nhẩm tính: “ Chủ nhà trọ vừa tăng tiền nhà lên 2 triệu đồng. Tiền 4 miệng ăn gia đình tiết kiệm lắm phải trên 3 triệu, tiền gas, tiền điện nước, tiền học cho hai đứa con. Chồng đau ốm quanh năm, tôi thì bán sức lấy tiền, ráo mồ hôi là hết tiền, làm sao duy trì nổi cuộc sống gia đình bây giờ?”. Mồ hôi trán chị Lê lấm tấm.