Tới dự lễ trao giải có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem giới thiệu một số tác phẩm đạt giải trong cuộc vận động
Phát biểu khai mạc lễ, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời về ý chí khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân, góp sức tạo nên tinh thần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp nối con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng lựa chọn.
Lễ trao giải tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn, truyền hình trực tiếp trên VTV1
Giải thưởng hai năm một lần này nhằm tôn vinh các tác giả, tập thể có những sáng tác và quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. So với các kỳ trước, giải thưởng lần này có sức lôi cuốn đặc biệt, số lượng nhiều hơn so với các đợt trước với gần 6 nghìn tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá. Đa số tác phẩm bám sát chủ đề giải thưởng, một số tác phẩm có quy mô lớn, được đầu tư sáng tác công phu ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, kiến trúc, điện ảnh, văn học, báo chí xuất bản.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá tổng kết về cuộc vận động sáng tác lần thứ 6
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các văn nghệ sĩ, nhà báo và nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế với tình cảm yêu quý, cảm phục Hồ Chí Minh đã gửi nhiều tác phẩm dự giải thưởng. Qua đó, quảng bá rộng rãi trên thế giới sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh, quảng bá đất nước, văn hóa dân tộc Việt.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao hai giải đặc biệt
“Với kết quả của 6 đợt trao giải thưởng, chúng ta phải khẳng định rằng, giải thưởng đã thực sự trở thành hoạt động văn hóa sâu rộng, bền bỉ; đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp Nhân dân ta ở trong nước và ngoài nước. Thông qua các tác phẩm tham dự giải thưởng đều có chung một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của cái đẹp, của tấm lòng nhân văn, của đạo đức cách mạng trong sáng, của trí tuệ và ý chí con người Việt Nam thể hiện qua hình tượng Hồ Chí Minh”, ông Thưởng nói.
Trao 11 giải A cho các tác giả, tập thể xuất sắc
Dịp này, Ban Tuyên Giáo Trung ương cũng đã phát động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” lần thứ 7.
Tại lễ công bố và trao giải tối 13/5, Ban tổ chức chọn và trao thưởng cho 228 tác phẩm xuất sắc trong đó: 2 giải đặc biệt; 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải Khuyến khích. BTC trao tặng thưởng cho 42 tập thể và 6 cá nhân. Do điều kiện tường thuật trực tiếp, BTC trao tặng các giải đặc biệt, giải A, giải B và tặng thưởng tập thể, cá nhân.
Có 42 giải B trong số 228 giải thưởng đợt vận động này
BTC truy tặng giải đặc biệt cho nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez với 2 tác phẩm thơ: Hồ Chí Minh- tên Người là cả một niềm thơ, Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ. Giải đặc biệt còn lại được trao cho NXB Chính trị Quốc gia Sự thật có thành tích xuất sắc quảng bá sách về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chia sẻ bên lề lễ trao giải, nhà văn vùng cao Hà Lâm Kỳ (Yên Bái), một trong số 11 tác giả được trao giải A với tiểu thuyết Cánh cung đỏ-tiểu thuyết có 60% tư liệu sự kiện và nhân vật lịch sử như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các ông Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn- nói, tác phẩm muốn đề cao vai trò lãnh đạo của Xứ Ủy Bắc Kỳ, đặc biệt Bác Hồ trong thời kỳ Cách mạng tháng 8 và quãng thời gian kháng chiến của vùng núi Tây Bắc.