Tọa sơn quan hổ đấu

Điều gì đang chờ ông Assad? Tranh vui của Arend Van Dam (Hà Lan)
Điều gì đang chờ ông Assad? Tranh vui của Arend Van Dam (Hà Lan)
TP - Iran, đồng minh chiến lược của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống Israel, đang áp dụng chính sách “chờ xem”, khi người đứng đầu Syria đối mặt nguy cơ bị lật đổ, nhằm tìm kiếm cơ hội bảo toàn lợi ích quốc gia.

> Ai Cập: Cựu thủ tướng trở lại, phản đối không dừng

Điều gì đang chờ ông Assad? Tranh vui của Arend Van Dam (Hà Lan)
Điều gì đang chờ ông Assad?      Tranh vui của Arend Van Dam (Hà Lan).

Việc ông Assad bị hạ bệ sẽ là điều bất lợi lớn với một nước mà phần đông dân số là người Hồi giáo dòng Shi’ite như Iran - quốc gia mà sự đối đầu với Israel lâu nay vẫn là nguyên tắc ngoại giao chủ đạo.

Iran đã dùng nhiều quân bài khu vực để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria, để khiến quân nổi dậy khó lòng lật đổ ông Assad. Nhưng các nhà phân tích nói rằng trục Iran - Syria đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan: Iran nên gắn bó với ông Assad, người đã cầm quyền được 41 năm, với bất kỳ giá nào hay vứt bỏ một đồng minh Trung Đông quan trọng nhất của mình?

“Chính sách của Iran là chờ để xem… Chúng tôi nên bình tĩnh khi tình hình ở Syria vẫn chưa rõ ràng và cực kỳ nhạy cảm. Chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả tốt nhất có thể cho tất cả mọi người”, một quan chức giấu tên của Iran nói. “Nhưng dù ông Assad giúp Iran đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại chế độ của Do Thái (Israel)… thì bây giờ thật không khôn ngoan nếu Iran vẫn tiếp tục đứng về phía đồng minh”, vị quan chức này nhận định.

Iran sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đồng minh thay thế Iran, nên sẽ thận trọng hơn trong việc bảo đảm rằng ông Assad, người theo hệ phái Alawite của dòng Shi’ite, cuối cùng có thể dẹp bỏ cuộc nổi dậy của người Sunni vốn chiếm đa số.

“Một Assad yếu không còn là một đồng minh khu vực hiệu quả cho Iran… Nhưng thà có một đồng minh yếu còn hơn một lãnh đạo Sunni cầm quyền ở Syria”, nhà phân tích Hamid Farahvashi người Iran nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Iran cũng lo lắng rằng việc gắn kết quá chặt chẽ với ông Assad có thể làm mất đi cơ hội thiết lập mối quan hệ có lợi với bất kỳ chính phủ Syria mới nào trong tương lai. “Iran không muốn cược nhầm ngựa…

Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm và bất kỳ hành động sai nào cũng có thể dẫn tới hậu quả khó lường”, ông Farahvashi nói.

Có nhiều đồn đoán cho rằng quan chức Tehran đã gặp gỡ các thành viên của lực lượng nổi dậy ở Syria nhằm tìm kiếm cơ hội thiết lập quan hệ đồng minh trong tương lai. “Chúng tôi không muốn bị xem là kẻ phản bội đồng minh… nhưng cũng giống các nước khác, ưu tiên của Iran là phải bảo toàn lợi ích quốc gia”, một quan chức Iran nói.

Cuộc khủng hoảng ở Syria gây thêm khó khăn cho Iran, bên cạnh chính sách cấm vận quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran, lạm phát cao, thất nghiệp tràn lan, trong khi các nhà đầu tư đang thắt chặt hầu bao.

Tehran gọi cuộc khủng hoảng chống lại ông Assad là âm mưu của Mỹ và Israel. Liệu Tehran có kế hoạch bất ngờ nào nếu ông Assad bị lật đổ hay không vẫn chưa rõ ràng. Mỹ nói rằng Iran trợ giúp quân sự và tài chính cho Syria trong cơn khủng hoảng, nhưng Iran bác bỏ bất kỳ dính líu nào.

“Iran có thể thân mật hơn với lực lượng Hezbollah ở Li-băng hay các nhóm quân sự Shi’ite khác trong khu vực để bảo toàn tầm ảnh hưởng trong khu vực”, một nhà ngoài giao giấu tên ở Tehran nói.

Giống Mỹ, Ảrập Xêút lo ngại Iran đang kích động người Shi’ite. Các nhà phân tích nói rằng Syria có thể trở thành tâm điểm cho trận chiến Iran - Ảrập Xêút nhằm tranh giành ảnh hưởng khu vực. “Nếu áp lực đối với ông Assad gia tăng sẽ làm bạo lực giáo phái ở Li-băng, Iraq và những khu vực khác mà Iran có ảnh hưởng thêm trầm trọng”, nhà phân tích chính trị Mansour Marvi nói.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích hành động đàn áp quân sự của đồng minh một thời, khiến hàng nghìn người Syria thiệt mạng, Iran trở nên thận trọng hơn trong cách tiếp cận vấn đề ở Syria, bằng cách phê phán việc sử dụng vũ lực của ông Assad và kêu gọi chính phủ và quân nổi dậy tiến tới “hiểu biết lẫn nhau”.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông, và mỗi nước đại diện cho một mô hình: một bên là đạo Hồi, một bên là chủ nghĩa thế tục và dân chủ.

Lãnh đạo Iran coi Ankara là quân bài chính để Mỹ kiềm chế tham vọng ảnh hưởng của Tehran và kiềm chế cuộc Cách mạng Hồi giáo. Tuy nhiên, một số nhà phân tích và ngoại giao cho rằng, Iran đang sử dụng các mâu thuẫn khu vực, như Palestine - Israel để phục vụ lợi ích của mình.

Theo một số chuyên gia, Iran nên làm trung gian hoà giải và kiểm soát khủng hoảng ở Syria nếu chính phủ của ông Ahmadinejad muốn có vị trí cao hơn trong cộng đồng quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG