Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, quan điểm Cục Thuế là vẫn theo đuổi vụ việc tới cùng và có những biện pháp thích hợp để truy thu được khoản thuế mà Uber B.V còn nợ.
Theo Cục Thuế TPHCM, Quyết định số 24 của Bộ Giao Thông Vận tải cho phép thí điểm triển ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thì chỉ có những doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mới được tham gia đề án. Tuy nhiên, Uber B.V đã cho các cá nhân không cần phải thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mà trực tiếp giao kết hợp đồng với Uber B.V để hoạt động vận tải. Như vậy là trái quy định.
Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến tháng 9/2016 Uber B.V có phát sinh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thực hiện kê khai nộp thuế.
Tháng 9/2016, Uber B.V mới đăng ký mã số thuế, và từ tháng 10/2016 Uber B.V mới ủy quyền cho công ty TNHH Uber Việt Nam nộp thay tờ khai thuế nhà thầu và khấu trừ nộp thay thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân cho các đối tác là cá nhân lái xe.
Sau khi thanh tra Uber B.V, tháng 7/2016, Cục Thuế TPHCM ra quyết định truy thu các khoản thuế tổng cộng 66,68 tỷ đồng là phù hợp với Thông tư 111 và Thông tư 92 của Bộ Tài chính.
Cũng theo cơ quan này, việc thanh toán tiền cho các lái xe thực hiện trực tiếp từ tài khoản của Uber B.V mở tại ngân hàng nước ngoài. Do đó Uber B.V phải có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế trước khi chi trả thu nhập cho các lái xe là phù hợp.
Tuy nhiên, Uber B.V lại cho rằng, theo thỏa thuận dịch vụ ký với các lái xe, Uber B.V chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại cho các lái xe để kết nối giữa lái xe và khách hàng. Các lái xe trực tiếp kinh doanh vận tải chứ Uber không kinh doanh vận tải mà chỉ thu hộ tiền vận chuyển, sau đó giữ lại phần của mình được hưởng trước khi chuyển lại cho các đối tác lái xe. Với lý do này, Uber B.V đã 2 lần đâm đơn khởi kiện Cục Thuế TPHCM ra tòa.
Trước đó, đầu tháng 9/2017, Cục thuế TPHCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Uber B.V. Công ty này đã nộp 13 tỷ đồng và hiện còn nợ hơn 53,3 tỷ đồng.
Mặc dù vụ kiện với Cục Thuế TP HCM đang diễn ra, Uber B.V đã bán thị phần kinh doanh tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho Grab và rút lui khỏi thị trường từ ngày 8/4. Uber B.V cũng không có tài khoản tại Việt Nam nên nhiều ý kiến lo ngại trong trường hợp thắng kiện, Cục thuế TPHCM cũng khó truy thu được thuế của Uber B.V.