Grab mua Uber - bài học cạnh tranh không lành mạnh

TP - Chiều 24/5, cho ý kiến dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Phạm Quang Thanh (Hà Nội) tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh với tổ chức, cá nhân có hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở nước ngoài. Bởi lẽ, nhiều thương vụ tập trung kinh tế dù diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Chứng minh điều này, ĐB Thanh dẫn dụ thương vụ Grab mua lại Uber. Vụ mua bán này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng, tài xế tại Việt Nam. Chính vì vậy, nếu không có quy định mở rộng phạm vi thì sẽ khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp không cần hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến dịch vụ cung cấp tại Việt Nam.

Đồng tình với việc bao quát cả hành vi của cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp nhà nước, theo ĐB Thanh, việc kiểm soát thống lĩnh, độc quyền doanh nghiệp là cần thiết. ĐB Thanh dẫn dụ, chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, nhưng vừa qua lại có kiến nghị bỏ xăng RON95 để chuyển sang sử dụng xăng sinh học. Điều này gây nghi ngờ, phản ứng trong dư luận khi mà cả nước chỉ có 1 doanh nghiệp cung cấp ethanol. “Đưa sản phẩm ra thị trường phải để người tiêu dùng lựa chọn chứ không phải thay thế khiến người tiêu dùng chịu thiệt”, ĐB Thanh nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngoài biên giới là phù hợp bối cảnh hội nhập hiện nay, đảm bảo môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cạnh tranh hiệu quả hơn, giúp Việt Nam xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh dù xảy ra ở đâu.

MỚI - NÓNG