Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân có nhiều thay đổi. Cùng với sự dịch chuyển về thói quen thanh toán của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng. Có thể kể đến các hình thức thanh toán bằng thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking.
Lĩnh vực thanh toán số đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Để phòng tránh sự tiếp xúc, lây nhiễm của dịch bệnh, người dân có xu hướng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn. Theo số liệu của Napas, trong quý 1/2022 hoạt động thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với quý 1.2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý 1/2022 có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021.
Kết quả đạt được rất tích cực, sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt ngày càng rõ nét. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, và triển khai Chỉ thị 02-CT/NHNN về việc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, phát triển nền kinh tế số.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại buổi tọa đàm |
Trong bối cảnh đó, nằm trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam lần 2, ngày 13/4, dưới sự chỉ đạo nội dung của NHNN, báo Tiền Phong, Napas tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại.
Nhìn từ đại dịch COVID-19, tọa đàm sẽ bàn về thực trạng, xu hướng, lợi ích, và cả những tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp phát triển phương thức TTKDTM, thanh toán số; làm sao để hấp dẫn người dân sử dụng phương thức này.
Tọa đàm được tường thuật trực tuyến trên báo Tiền Phong điện tử (tienphong.vn). Bạn đọc Báo Tiền Phong quan tâm đến chủ đề tọa đàm, có thể đặt câu hỏi cho các khách mời. Câu hỏi xin gửi về địa chỉ email: vietlinh306@gmail.com