Tòa án Hà Giang xét xử độc lập dù Chánh án có con được nâng điểm

Nhóm bị cáo nâng điểm ở Hà Giang hầu tòa ngày 18/9.
Nhóm bị cáo nâng điểm ở Hà Giang hầu tòa ngày 18/9.
TPO - Chánh án tỉnh Hà Giang được xác định có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Do đó, việc giải quyết vụ án hoặc phát ngôn được phân công cho các Phó chánh án.

Như đã đưa, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Theo đó, 151 cán bộ, đảng viên của tỉnh có liên quan vụ gian lận thi cử.

Trong số bị kỷ luật, có nhiều phụ huynh liên quan lĩnh vực pháp luật như ông Đỗ Tiến Dũng – Phó GĐ Công an tỉnh đã để vợ tác động nên con được nâng điểm; Lại Thị Hương – GĐ Sở Tư pháp đã nhờ xem điểm trước, con không được nâng điểm; Vương Ngọc Hà – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh để mẹ đẻ tác động cho con đồng chí, con được nâng điểm…

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Chánh án TAND tỉnh bị xác định để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con. Trong khi đó, chính TAND tỉnh Hà Giang sắp tới sẽ xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi.

Về việc này, ông Trương Huy Huân – Phó chánh án TAND tỉnh Hà Giang cho biết ông là người trực tiếp phụ trách vụ án, bà Lan Anh hoàn toàn không liên quan hoặc tham gia quá trình xử lý.

Theo ông Huân, báo chí đã thông tin đầy đủ các diễn biến liên quan gian lận điểm thi tại tỉnh gồm việc bà Lan Anh có con được nâng điểm. Về phần mình, ngay sau khi hồ sơ vụ án được chuyển sang, tòa án đã họp và phân công ông Hoàng Văn Tiến – Phó chánh án thường trực chỉ đạo xử lý vụ án.

“Tôi được phân công là người phát ngôn về vụ án. Theo quy định, chánh án là người phát ngôn nhưng vì liên quan tới vụ án nên Chánh án đã báo cáo Ban cán sự Đảng, phân công tôi phát ngôn riêng về vụ án. Đồng chí Lan Anh không có bất cứ một trách nhiệm gì với vụ án này” – ông Trương Huy Huân nói.

Sau khi Phó chánh án Hoàng Văn Tiến hết nghiệm kỳ, ông Huân tiếp tục được giao là người phụ trách xử lý vụ án kiêm người phát ngôn. Qua đây, ông Huân khẳng định các thẩm phán, hội thẩm được phân công giải quyết vụ án gian lận điểm thi sắp tới sẽ độc lập, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.

Trước đó, vụ án được đưa ra xét xử ngày 18/9 nhưng thẩm phán, chủ tọa Vương Thị Thu Hà đã công bố quyết định hoãn tới ngày 14 đến 16/10 vì vắng mặt nhiều người liên quan.

Các bị cáo trong vụ gồm Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục -Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (phòng Khảo thí), Vũ Trọng Lương - nguyên Phó phòng Khảo thí bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bị cáo Phạm Văn Khuông - nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung - nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Giang bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Riêng Triệu Thị Chính - nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT phải hầu tòa về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Nhóm các bị cáo bị cơ quan điều tra, truy tố xác định đã sửa kết quả 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT) nêu quan điểm: “Về pháp luật, khi xét xử thẩm phán là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên kết quả phiên tòa chỉ phụ thuộc vào cá nhân thẩm phán và Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, trong công tác pháp luật tại tòa án chúng ta cũng phải hiểu có nguyên tắc trên dưới… không phải tự do”.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.