Tố Hữu: Xin giữ lại trái tim bừng nắng hạ

TP - Hồi ấy, cũng thu, năm 1995, có lẽ vào dịp Tố Hữu 75 tuổi, tôi (lúc đó đã về Tiền Phong) cùng nhà báo Lê Thọ Bình (lúc đó đang là trưởng văn phòng báo Tuổi trẻ TPHCM ở Hà Nội) đến nhà riêng trò chuyện cùng Tố Hữu. Hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ (4/10/1920 – 4/10/2020), xin kể lại một số nội dung cuộc trò chuyện.
Tố Hữu: Xin giữ lại trái tim bừng nắng hạ ảnh 1

Nhà thơ Tố Hữu trong cuộc trò chuyện 25 năm trước. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Chúng tôi đến biệt thự nơi Tố Hữu sống ở đường Phan Đình Phùng hai lần, một lần vào buổi sáng, một vào buổi tối. Buổi sáng thì tôi không còn nhớ rõ, chứ buổi tối thì hình dung rõ vì người ra mở và đóng cổng hôm đó đều là bà Thanh – phu nhân của nhà thơ. Bà Thanh còn nhắc chuyện báo chí nên trả nhuận bút cho người được phỏng vấn.

Tố Hữu đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cá nhân tôi từ bé. Bởi bố tôi đi công tác ở Lào gần như suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, nhưng trong những cuốn sách ông mang về và để lại nhà có nhiều tập thơ, trong đó có thơ Tố Hữu. Và phải nói từ hồi đó, mới học cấp một, tôi đã thích thơ Tố Hữu nhất trong các tác giả thơ mà nhà tôi có sách (đương nhiên hồi đó chỉ có thơ ca cách mạng và kháng chiến).

Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy quá hay những câu thơ như “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”, “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò”…

Từ bé, tôi đã đọc hết các tập thơ “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng” của Tố Hữu và thuộc nhiều bài thơ trong đó.

Tôi nhớ những ngày đầu năm 1973, khi tôi 10 tuổi, cả làng cứ bàn tán suốt cả tuần, tấm tắc với những câu thơ trong bài “Việt Nam máu và hoa” Tố Hữu viết sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Không quân Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc. Bài thơ được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam tạo một niềm xúc động và hứng khởi rất lớn. Người làng tôi khi ngồi dưới bóng mát ở luỹ tre đợi nắng dịu bớt để ra đồng hay tối ngồi bên ấm nước chè tươi lạm bàn thời sự cứ xuýt xoa, tấm tắc với những câu: Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ/Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ/ Một trời êm ả, xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ”, “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”, “Không nỗi đau nào riêng của ai/ Của chung nhân loại, chiến công này/ Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau, thắm những ngày?”.

Phải sống ở những năm tháng ấy mới thấy hết sức truyền cảm của những câu thơ như thế.

Ấy là hồi tôi còn bé. Sau này lớn lên, tôi còn biết thêm sau khi vượt ngục ở Kon Tum ra, Tố Hữu bí mật đến Thanh Hóa để hoạt động, tham gia lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa và có một thời gian về ở làng Thuần Hậu thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân quê ngoại tôi (nơi tôi sống đến 15 tuổi mới rời). Một người họ hàng mà tôi phải gọi bằng ông là liên lạc đi đón Tố Hữu về sau này được chính Tố Hữu xác nhận để được công nhận là lão thành cách mạng.

Tóm lại, tôi đã đến nhà Tố Hữu một ngày mùa thu 25 năm trước không đơn thuần với tâm thế của một nhà báo đi phỏng vấn một nhân vật.

Cuộc trò chuyện hồi ấy chia làm hai phần rõ rệt. Một phần là Tố Hữu, một nhà cách mạng, một lãnh đạo chính trị và phần kia là Tố Hữu nhà thơ.

Tôi sẽ đi nhanh qua phần Tố Hữu nhà cách mạng, nhà chính trị để tập trung vào Tố Hữu nhà thơ.

Phải nói là hồi đó tuy đã rời chính trường một thời gian kha khá rồi nhưng Tố Hữu vẫn còn nhiều trăn trở, mà nói chính xác hơn là uẩn ức trong lòng và điều đó được ông nói ra khá thẳng thừng. Ông bức xúc với một số hiện tượng tiêu cực đã bộc lộ rõ nét trong xã hội khi đó. Và khi chúng tôi nhắc đến việc người ta đang nói đến cơ hội nước ta hóa thành con rồng châu Á, ông trừng mắt, bực bội cắt ngang: Rồng với phượng gì! (Quả thực là cho đến nay, 25 năm sau khi ông nói câu đó, nước ta vẫn chưa thành rồng).

Nhưng nói đến buổi đầu cách mạng thì ông rất hào hứng, đặc biệt khi nói về Bác Hồ. Ông kể lần đầu tiên gặp Bác cỡ năm 46-47 gì đó, Bác mới có năm bảy, năm tám tuổi thôi nhưng cảm thấy Người rất già, già ghê gớm, ai gọi là cha già dân tộc cũng không thấy gợn.  Qua những lần gặp trực tiếp, tôi thấy các vị lãnh đạo cỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cỡ Tố Hữu đều thành tâm tin rằng nếu Bác Hồ còn sống thì tiêu cực không thể hoành hành được.

Hôm đó, chúng tôi hỏi vì sao một thanh niên thư sinh, tâm hồn thơ bay bổng như Tố Hữu lại đến với con đường cách mạng chông gai? Tố Hữu đã trả lời giống như Nguyễn Đình Thi khi tôi hỏi nhà thơ-nhạc sĩ này liệu thời điểm năm 1946 ta có tránh được cuộc chiến tranh với Pháp không: Không thể khác được! Tố Hữu nói hồi đó đối với những thanh niên yêu nước như ông, tâm trạng đúng là như câu thơ trong bài “Nhớ đồng” ông viết khi mới bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ năm 1937: Ta nghe hè dậy bên lòng/ Mà chân muốn đạp tan phòng hè ơi”.

Đây cũng hai câu thơ tôi thích vì cái chí khí lớn thể hiện trong đó. Hôm đó, chúng tôi nói chuyện với Tố Hữu xung quanh những câu thơ của ông được nhiều người thích, trong đó có: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” (nhiều người biểu dương cái tài tình của nhà thơ khi dùng các tính từ  và các địa danh trong đó có từ chỉ màu sắc), “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên (mà nhiều người cho là không ai có thể viết hay hơn thế về xứ Huế). Rồi chúng tôi hỏi, vậy nếu chọn câu thơ hay nhất mình từng viết thì ông chọn câu nào? Tố Hữu đáp: “Có lẽ xét ra thì tôi xin giữ lại câu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”. Không hiểu vì sao hồi đó tôi có thể viết được câu như thế ở cái tuổi 17-18”.

Thế hệ Tố Hữu là một thế hệ long trời lở đất trong lịch sử dân tộc. Ông tự hào nhưng ông cũng tỏ ra thông cảm với thế hệ trẻ sau này. Ông kể câu chuyện hôm nhà văn trẻ Phan Thị Vàng Anh (con nhà thơ Chế Lan Viên, hồi đó Vàng Anh bắt đầu gây chú ý với những truyện rất ngắn) tới thăm, ông hỏi sao viết buồn thế, Vàng Anh trả lời là cũng không biết nữa, thấy sao thì viết vậy thôi. Tố Hữu không phê phán Vàng Anh mà lại nói: “Nó không biết nhưng mà tôi hiểu. Khi người ta trẻ dễ buồn lắm, bơ vơ lắm” (Ở đây Tố Hữu dùng tên tập truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh “Khi người ta trẻ”).

Hôm đó, tôi nhớ đến cái cảnh tôi được chứng kiến ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, một sự kiện gì đó của làng văn đầu những năm 90, Tố Hữu ngồi một mình, không ai ngồi sát xung quanh ông, nhớ cả một câu thơ chua xót của ông nên đã đặt câu hỏi: Ông viết: “Có đau khổ nào đau khổ hơn/ Trái tim tự xát muối cô đơn”, phải chăng ông thực sự cảm thấy như vậy? Tố Hữu trả lời: “Tôi không cảm thấy cô đơn đâu. Ngay cả khi tôi nói cô đơn như vậy thì cũng chỉ là tiếng của một con chim gọi bạn đấy thôi. Con gà cất tiếng gáy gọi bình minh rồi cả đàn gà gáy theo. Tiếng gà ban đầu ấy thường là cô độc, nhưng rồi liền sau đó nó được hòa vào cả biển âm thanh. Cô độc mà không cô đơn đâu”.

Đây có lẽ là một điều chiêm nghiệm của Tố Hữu thời điểm đó nên sau đó ông còn nói thêm: “Đối với tôi sự cô đơn là cái đau khổ nhất của con người cùng với cái đói, cái chết. Cô đơn nghĩa là mình không có bạn, nhưng đó là lỗi ở mình thôi, đừng nên trách đời. Đời luôn công bằng, rộng cửa với bất cứ ai, anh cô đơn tức anh tự quay mặt với đời mà thôi. Cuộc sống vốn không phải đường thẳng, sông có khúc, người có lúc, nhưng như tôi đã viết: “Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm/ Ta vẫn là ta, ta với ta”. Cái quan trọng nhất là anh có chính là mình không thôi. Tố Hữu vẫn luôn là Tố Hữu”.

Ông nói vậy nhưng chúng tôi vẫn nhấn nhá thêm: “Trong tập thơ “Một tiếng đờn” ra cách đây vài năm có mấy bài như Giao thừa, Một tiếng đờn, Chùa Hương… nghe âm hưởng buồn buồn, khác với dòng thơ Tố Hữu tràn ngập lạc quan cách mạng trước kia. Vậy Tố Hữu đã ngộ ra điều gì đó khác trong đời chăng?” Tố Hữu không thừa nhận, ông nói: “Cuộc đời tôi là nhất quán. Cuộc đời lúc nào cũng vui buồn. Vui đấy mà buồn đấy. Không nói là đau thì đúng hơn, đau cái đau của nhân dân lao động. Nỗi đau đó luôn thường trực trong tôi kể từ khi cầm bút viết bài thơ đầu tiên.  Ngày trước, niềm vui nó dâng lên cao quá nên nhiều khi ta không thấy cái đau đó lắng bên trong. Từ khi đất nước hòa bình, thực sự có nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội khiến ta phải trăn trở, suy nghĩ…”.

Chúng tôi nhận xét ông lại nói đến việc ông cứ nói, cứ viết đến chuyện đau cái đau của nhân dân lao động, điều ông đã làm trong những bài thơ thuở ban đầu của mình: “Lão đầy tớ”, “Đi đi em”… Ông đáp lại khá gắt: “Vậy tôi hỏi các anh nhân dân lao động đã sung sướng hay chưa?” Không “buông tha” ông, chúng tôi hỏi: “Vậy có điều gì mà giờ đây Tố Hữu mới hiểu ra là không phải vậy”, ông buông một tiếng: “Nhiều”.

Ông lặng đi một lát, chúng tôi cũng ngồi lặng đợi. Nhưng những gì ông nói tiếp không giống điều chúng tôi chờ nhưng sợ phải nghe: “Chẳng hạn hồi còn trẻ, tôi không tài nào chịu được câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Gió lùa gian gác xép/ Đời tàn trong ngõ hẹp”, mặc dù hai câu thơ này hay, hay lắm. Tôi nghĩ đó là cái yếm thế của đớn hèn. Nhưng giờ tôi hiểu đó là tiếng kêu của một cuộc đời bế tắc. Một nỗi đau. Lẽ ra tôi phải thông cảm với những người như thế, hướng dẫn họ cũng làm cách mạng như mình để đời khỏi tàn trong ngõ hẹp”.

Cuộc trò chuyện ấy rất dài, Tố Hữu đã rất cởi mở. Chúng tôi hỏi ông về cuộc tranh luận văn nghệ năm 1948 tại Việt Bắc; về việc có sự thống nhất không trong con người ông, hay có sự phân thân không cứu vãn giữa một hồn thơ và một nhà chính trị; về chuyện ông có chút gì nuối tiếc không khi không dành hết thời gian cho thơ và bỏ lỡ cơ hội trở thành một nhà thơ lớn hơn nhiều trong lịch sử thi ca của dân tộc vv… Chúng tôi chỉ chưa hỏi ông về vấn đề Nhân văn giai phẩm mà sau này nhiều người trách cứ ông.

Tố Hữu tiễn chúng tôi ra cửa chứ không ngồi lại trong phòng. Ông chỉ khi chúng tôi hỏi cây táo ông Lành ở đâu. Biệt thự của Tố Hữu khi đó nằm ở con phố đẹp nhất Hà Nội là phố Phan Đình Phùng, và lại nằm ở phía có vỉa hè rất rộng, nơi có hàng cây đôi là thứ cây sấu già bốn mùa đều đẹp. Sau này ông mất, Nhà nước phân cho vợ ông ngôi biệt thự khác ở giáp tường với Tòa soạn báo Tiền Phong ở phố Hồ Xuân Hương. Sau này nữa, biệt thự mới được phân đó trở thành toà nhà trụ sở của Công ty An Viên và Đài Truyền hình AVG.

Trong một chuyến công tác mới đây, trên xe tôi nói với nhà văn - nhà báo Xuân Ba, người từng viết bài báo gây ra đôi chút ồn ào “Uống bia với nhà thơ Tố Hữu” rằng không biết anh thế nào chứ mặc dù bây giờ nhiều người cứ chê nhưng tôi vẫn thấy thơ Tố Hữu hay. Và vai trò của thơ ông lớn như thế trong lịch sử cách mạng và lịch sử thơ ca cách mạng nhưng có vị nào đó giảng dạy trong trường đại học chuyên về khoa học xã hội có lần viết rằng đã rất nhiều năm nay không có ai chọn đề tài Thơ Tố Hữu đề làm luận văn, luận án.  Xuân Ba thở dài bảo đại loại chuyện đó giống như là sự tráo trở của thế hệ bây giờ.

Hôm trò chuyện với Tố Hữu, tôi nhớ ông có nói với một giọng buồn: “Một tiếng đờn, tập thơ in gần đây nhất của tôi cũng là tập thơ lắng nhất, đặt ra nhiều vấn đề nhất. Vậy mà chưa có ai bình!”.

Tôi cũng nhớ trong các tập thơ Tố Hữu mà bố mang về cho đọc hồi bé, có một cuốn “Thơ Tố Hữu”, rất dày, trong đó ngoài thơ của ông thì còn in kèm nhiều bài tụng ca và cả một tiểu luận lớn.

Theo 3/10/2020
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.