Tình yêu như mơ của cô gái ‘nô lệ quán phở’

Tình yêu như mơ của cô gái ‘nô lệ quán phở’
Sau "cơn bão cuộc đời" bị vợ chồng chủ quán phở hành hạ với hơn 400 vết thương chằng chịt, Bình hy vọng có cuộc sống mới và đợi chờ tình yêu. Và một chàng trai đến với cô gái như trong cổ tích.
Những vết sẹo trên lưng Bình. Cô bảo thường xuyên bị ông bà chủ dùng dây điện thắt nút quất vào mặt, lưng; dùng kìm kẹp vào mạng sườn; bắt quỳ ngoài sân giữa đêm khuya, trời lạnh... Ảnh: TTXVN
Những vết sẹo trên lưng Bình. Cô bảo thường xuyên bị ông bà chủ dùng dây điện thắt nút quất vào mặt, lưng; dùng kìm kẹp vào mạng sườn; bắt quỳ ngoài sân giữa đêm khuya, trời lạnh... Ảnh: TTXVN.

Năm bảy tuổi, Nguyễn Thị Bình được mẹ đưa xuống Hà Nội giúp việc tại quán phở của vợ chồng Chu Minh Đức - Trịnh Hạnh Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Suốt 13 năm, họ bắt cô làm việc quần quật từ sáng sớm tới khuya, bất kể ốm đau. Cặp vợ chồng này còn hành hạ Bình với 424 vết sẹo trên cơ thể.

Khi vụ việc phanh phui, ông Đức bị tòa án phạt 36 tháng tù treo, bà Phương nhận 45 tháng tù giam do cố ý gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

Bốn năm kể từ khi được giải thoát khỏi cảnh làm "nô lệ ở quán phở", Bình trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Với sự giúp đỡ của nhiều người hảo tâm, tưởng đã có cơ hội để đổi đời nhưng rồi nhiều biến cố xảy ra, cô lại lang thang không nơi nương tựa. Cô gái trẻ quay lại với công việc cũ ở nhiều quán cơm, quán phở đến bán xôi, bán chè trong thủ đô và giờ làm người giúp việc tại một gia đình ở quận Hai Bà Trưng.

Bình vẫn giữ cách nói chuyện hồn nhiên, trẻ trung, cười nhiều và không còn nét u sầu trước kia. Thiếu nữ khoe đang hạnh phúc trong tình yêu đầu đời. Bình kể, năm 2007 sau khi được giải cứu, cô nhận được nhiều chia sẻ từ xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần. Một thanh niên tên Lý Trung Tuyến đến làm quen, mong được làm bạn để giúp cô vượt qua nỗi đau.

Lạ rồi quen, hai người đến với nhau lúc nào không hay. “Hoàn cảnh của anh ấy có nhiều điểm giống em nên cả hai thấy khăng khít”, cô kể. Tuyến quê ở Lạng Sơn, sau khi vào đại học đã đi xuất khẩu lao động và giờ đang làm việc ở Hà Nội.

Nụ cười rạng rỡ trên môi cô gái từng bị vợ chồng quán phở hành hạ trong suốt 13 năm. Ảnh: Việt Hà
Nụ cười rạng rỡ trên môi cô gái từng bị vợ chồng quán phở hành hạ trong suốt 13 năm. Ảnh: Việt Hà.

Cầm trên tay bó hoa hồng bạn trai vừa tặng, cô bảo đã được Tuyến đưa về ra mắt gia đình. "Nhà anh ấy biết hoàn cảnh của em, song không phản đối mà còn ủng hộ", cô gái từng làm "nô lệ ở quán phở" tâm sự.

Bình bảo, cả hai đều ở Hà Nội nhưng ít có cơ hội tâm tình. “Anh ấy đi làm đến tối. Còn em do công việc nên cũng không có nhiều thời gian. Có khi hàng tuần, cả tháng không gặp mặt”, Bình nói. Giữa hai người chỉ trao đổi bằng điện thoại vì cô không biết chữ nên không thể nhắn và đọc tin.

Bình tâm sự, dù xa cách nhưng cô tin tưởng vào tình cảm của người yêu. Nhớ lần bị tai nạn giao thông vừa qua, cô nghẹn giọng: “Em chưa từng được ai chăm sóc và yêu thương như anh ấy đã làm”. Trong thời gian nằm viện, nhiều lần cô gái trẻ đã khóc vì thấy "cuộc sống như mơ".

Cô bảo, đáng lẽ năm nay cả hai tính đến chuyện về ở chung một nhà, nhưng giờ vẫn phải làm việc để trả nợ nên đám cưới đành gác lại sang năm.

Hạnh phúc trong tình yêu, nhưng quá khứ 13 năm bị hành hạ vẫn luôn ám ảnh Bình. Cô bảo, thi thoảng vẫn đi qua khu vực gần quán phở cũ để thăm gia đình ân nhân đã giúp giải cứu cô, đưa sự việc ra ánh sáng. Cô cho biết, bà chủ đã ra tù, vẫn bán hàng tại nhà. Có lần, Bình đã giáp mặt đôi vợ chồng này nhưng do cô mang khẩu trang, họ không nhận ra.

11 giờ trưa ngày 20-10-2007, sau nhiều lần chứng kiến cảnh cô gái giúp việc quán phở bị hành hung, bà Hà Kim Bình thuê xe ôm đến đón Nguyễn Thị Bình đi trốn và chữa bệnh cho em.

- Đêm 5-11-2007, Công an quận Thanh Xuân nhận được tin báo của bà Hà Kim Bình về việc hành hạ người của hai vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương.

- Sáng 7-11-2007, vợ chồng chủ quán phở bị bắt và khởi tố.

- Ngày 8-11-2007, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Bình bị chủ hành hạ nhiều năm.

- Chiều 10-11-2007, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao bằng khen của Chủ tịch thành phố cho bà Hà Kim Bình do dũng cảm cứu thoát em Bình.

- Ngày 17-11-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các tỉnh thành phố nhanh chóng điều tra, xử lý vụ hành hạ em Bình.

> Toàn cảnh vụ em Nguyễn Thị Bình bị ngược đãi, hành hạ trong quán phở

Theo Việt Dũng
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG